Dự chương trình có ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên cùng lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn sở KH&CN.
Về phía Đại học Thái Nguyên có PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; PGS.TS Trần Thanh Vân, PGS.TS Nguyễn Hữu Công Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên và đại diện các phòng, ban chuyên môn Đại học Thái Nguyên.
Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới, phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Cụ thể, tỷ trọng tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh, giai đoạn 2016-2020 đạt 51,3%, cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011-2015 (đạt 35,4%). Cho thấy vai trò quan trọng của KH&CN thực sự là động lực để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020.
Để đạt được những kết quả đó là nhờ có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương và sự vào cuộc của các trường đại học, cao đẳng, cộng đồng các nhà khoa học trên địa bàn tỉnh.
Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên với đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy gần 4000 người. Đây là tiềm năng, lợi thế lớn về nguồn nhân lực KH&CN, do đó, trong hoạt động khoa học và công nghệ, tỉnh xác định hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên là một trong những nội dung quan trọng.
Thời gian qua, hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên tiếp tục được tăng cường, đạt được nhiều kết quả nổi bật trong đa dạng các nội dung hợp tác, từ thực hiện nhiệm vụ KH&CN, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia tư vấn, đánh giá, phản biện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án lớn của tỉnh.
Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai đều có giá trị khoa học, ý nghĩa thực tiễn, đem lại hiệu quả ứng dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, công nghệ thông tin, văn hóa xã hội,...góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
PGS.TS Trần Thanh Vân - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên trao đổi tại Hội nghị |
Giai đoạn 2017-2022, Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên đã thực hiện 30 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, với tổng kinh phí khoảng 76 tỷ đồng (riêng nhiệm vụ năm 2022 mới phê duyệt danh mục và chưa tiến hành duyệt kinh phí), trong đó Quỹ phát triển KH&CN tỉnh hỗ trợ thực hiện 31,5 tỷ đồng, nguồn đối ứng của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp là 44,5 tỷ đồng. Trong đó: Lĩnh vực Y dược: 5 nhiệm vụ; Lĩnh vực Nông nghiệp: 8 nhiệm vụ; Lĩnh vực Kỹ thuật công nghệ: 7 nhiệm vụ; Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: 10 nhiệm vụ.
Ngoài ra, các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên đã thực hiện 10 nhiệm vụ KH&CN quỹ gen cấp tỉnh, với tổng kinh phí khoảng 24 tỷ đồng, trong đó Quỹ phát triển KH&CN tỉnh hỗ trợ thực hiện 16,6 tỷ đồng, còn lại là nguồn đối ứng của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp là 7,4 tỷ đồng.
Thông qua các nhiệm vụ KH&CN về quỹ gen cấp tỉnh, nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, các giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, chất lượng sản phẩm tốt và có giá trị kinh tế cao được bảo tồn, chọn lọc phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa như: Bảo tồn nguồn gen cây nghiến gân ba; Bảo tồn nguồn gen cây dược liệu Lan Kim Tuyến; Bảo tồn nguồn gen Gà nhiều cựa của đồng bào Dao; Bảo tồn nguồn gen cây hồng Việt Cường huyện Đồng Hỷ...
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên, PGS.TS Hoàng Văn Hùng đã gửi lời cảm ơn tới sở KH&CN đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới Đại học Thái Nguyên.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng khẳng định: "Đại học Thái Nguyên sẽ ưu tiên mọi nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, với phương châm lấy chất lượng đào tạo làm điểm nhấn, lấy khoa học công nghệ làm sức sống. Mong rằng, trong thời gian tới Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục hỗ trợ Đại học Thái Nguyên trong việc kết nối với các doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối đưa sản phẩm ra thị trường; phối hợp trong việc thực hiện triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, hỗ trợ nguồn kinh phí và thành lập nhóm xúc tiến chương trình hợp tác".