Linh hoạt trong dạy học
Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2, năm 2021 - 2025” nhằm mục tiêu trang bị cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học người DTTS trên địa bàn có đủ kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội chương trình giáo dục một cách tốt nhất.
Theo cô Hoàng Thị Hồng Anh, Hiệu trưởng trường Mầm non Phú Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên năm học 2022 - 2023, nhà trường có tổng số 214 học sinh, trong đó có 196 cháu là người đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 91,6%. Để giúp trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. Thời gian qua, nhà trường đã xây dựng môi trường trong lớp học phù hợp với từng độ tuổi, từng chủ đề, tạo cho trẻ có nhiều cơ hội học tập với môi trường tiếng Việt
Tại mỗi lớp học, nhà trường đều bố trí các góc học tập như: Góc xây dựng, phân vai, âm nhạc, tạo hình và bố trí các đồ dùng học tập thông thường mà ở nhà các em có. Mỗi đồ dùng học tập, Nhà trường đều gắn con số, chữ cái, các từ tiếng Việt để các em đọc, tiếp xúc mỗi ngày. Bên cạnh đó, tổ chức các trò chơi ngôn ngữ, các hoạt động giáo dục khác có tăng cường sự giao lưu, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa trẻ - trẻ, giữa trẻ - cô và những người xung quanh.
Tại mỗi lớp học trường Mầm non Phú Tiến đều bố trí đa dạng các góc học tập. |
Đa dạng các hoạt động trải nghiệm
Tại trường Mầm non Trung Lương, huyện Định Hóa năm học 2022 – 2023, trường có tổng số 260 học sinh, với 8 lớp, trong đó học sinh người DTTS là 213 trẻ, chiếm trên 80% học sinh toàn trường chủ yếu là các dân tộc Tày, Nùng.
Cô giáo Đặng Thị Chuyên, Hiệu trưởng trường Mầm non Trung Lương, huyện Định Hóa cho biết: Hằng năm bám sát vào chỉ đạo, hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đề án Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh người DTTS theo từng giai đoạn.
Khó khăn trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS của trường là nhiều học sinh phát âm tiếng Việt chưa chuẩn nên đọc và viết sai chính tả, không hiểu nghĩa một số từ, rụt rè trong giao tiếp. Chính vì vậy, bên cạnh việc nắm bắt khả năng tiếp thu của các em, nhà trường còn khuyến khích học sinh giao tiếp bằng tiếng Việt ở trường và khi về nhà.
Trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến tiếng Việt để thu hút các em tham gia như: Tổ chức hoạt động trải nghiệm làm bánh chưng tại chương trình Xuân ấm áp tình thương; Hội thi bé với cha mẹ thực hiện An toàn giao thông; trải nghiệm làm tranh…
Học sinh trường Mầm non Trung Lương tham gia trải nghiệm chương trình Xuân ấm áp tình thương. |
Đồng thời, nhà trường còn xây dựng các khu vườn hoa của bé, vườn rau của bé, khu vận động, khu chợ quê, vườn cây ăn quả, khu bé vui với nước, cát, khu tạo hình, góc thư viện. Qua đó, trẻ không chỉ tham gia chăm sóc, học tập, vui chơi mà còn tăng cường khả năng giao tiếp, nâng cao chất lượng dạy và học.
Bà Tô Thị Ninh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Định Hóa, Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học có học sinh DTTS đều thực hiện rất tốt công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Năm học nào cũng vậy, trước thềm năm học mới, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường vận động học sinh đúng độ tuổi ra lớp, tiến hành rà soát, sàng lọc các trường để thực hiện tốt giai đoạn đề án tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh người DTTS.
Ngoài ra, hàng năm ngành Giáo dục, UBND huyện cũng quan tâm đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, phần mềm dạy tiếng Việt phù hợp cho tất các nhóm, lớp, điểm trường mầm non ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn. Qua đó góp phần tăng cường cho trẻ kỹ năng nghe, hiểu, nói tiếng Việt, hình thành thói quen nói tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày.
Năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên đã lập kế hoạch chỉ đạo 41 trường mầm non thuộc 5 huyện: Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa và Phú Bình tăng cường dạy tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Đối với cấp tiểu học, tập trung dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1, lớp 2 là người DTTS tại 45 trường tiểu học của 3 huyện Võ Nhai, Định Hóa và Đồng Hỷ. Những trường mầm non, tiểu học nằm trong kế hoạch này được trang bị bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học, tài liệu hướng dẫn chuẩn bị Tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học (dành riêng cho giáo viên) và học liệu (sách, tranh thơ, truyện, thẻ chữ cái).
Việc phát triển ngôn ngữ của trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS trên cơ sở tiếng mẹ đẻ nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non trước khi vào lớp 1. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông vùng DTTS.