Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Đắk Nông thông tin:

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tỉnh Đắk Nông nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung, con em là người đồng bào dân tộc thiểu số rất nhiều. Đến tuổi đi học mẫu giáo, vì nhận thức chưa đầy đủ hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên không cho các em đến trường. 

Khi vào lớp 1, các em không biết chữ, không rành tiếng phổ thông nên khó theo kịp các bạn. Nếu thầy cô kèm cặp các bạn này làm ảnh hưởng đến giáo án chung của trường, lớp. Do đó, cử tri kiến nghị ngành Giáo dục và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng giáo án, chương trình giảng dạy riêng giúp các em theo kịp bạn trong lớp.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số (Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 2/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời đã ban hành Kế hoạch số 2805/KH-BGDĐT ngày 15/8/2016 về việc triển khai thực hiện Đề án này. 

Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học. Cụ thể: Làm tốt công tác chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1; dạy học theo hướng tăng thời lượng môn Tiếng Việt; dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu sổ; tăng cường rèn luyện các kĩ năng sử dụng tiếng Việt trong môn Tiếng Việt và trong các môn học/hoạt động giáo dục. Đặc biệt chú trọng tăng cường năng lực sử dụng tiếng Việt cho học sinh tiểu học thông qua việc hình thành thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học trong nhà trường.

Để thực hiện tốt các giải pháp trên, Bộ GD&ĐT đã tổ chức biên soạn và thẩm định các tài liệu nhằm hỗ trợ học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (hiện nay tài liệu được xây dựng lớp 1 - 3 và tiếp tục xây dựng cuốn chiếu lên lớp 4, 5 vào những năm tiếp theo). Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức thực hiện tăng cường tiếng Việt cho cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học; đa dạng hóa phương thức tổ chức thực hiện nhằm xây dựng môi trường tiếng Việt hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đặc thù của học sinh mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Tuyên truyền vận động, huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp, đặc biệt chú trọng trẻ 6 tuổi vào lớp 1 nhằm tăng tỷ lệ trẻ đến trường, đi học chuyên cần và giảm tỷ lệ trẻ bỏ học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ