Tăng cường tiếng phổ thông cho HS dân tộc thiểu số tại địa bàn đặc biệt khó khăn

Nhiều giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng khó.
Nhiều giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng khó.

GD&TĐ - Để đạt mục tiêu đến năm 2030, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90% theo Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, nhiều trường vùng DTTS và MN đã có giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non nhằm giúp các em tự tin bước vào lớp.

Khuyến khích giáo viên chủ động sáng tạo

Trường Mầm non Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, là một trong những trường nằm ở xã có điều kiện đặc biệt khó khăn của huyện với tổng số 228 học sinh, 1 điểm trường chính và 2 điểm lẻ, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% chủ yếu là đồng bào người dân tộc Mông.

Những năm qua, để góp phần tăng cường Tiếng Việt cho học sinh người DTTS, nhà trường đã xây dựng một số chuyên đề phù hợp với thực tế và khả năng nhận thức của trẻ như tăng cường trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, nâng cao năng lực của giáo viên…

Cô giáo Nguyễn Thị Huế, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Quảng Chu, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non nhà trường luôn khuyến khích giáo viên chủ động, sáng tạo, dạy học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa để phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ. Từ đó giúp các em có thêm vốn từ vựng và giao tiếp tốt, tự tin khi bước vào bậc tiểu học.

Đồng thời, nhà trường chủ động gắn tăng cường tiếng Việt cho trẻ với các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”... tạo môi trường tốt cho trẻ rèn luyện.

Cô giáo Nông Thị Thúy, giáo viên tại điểm trường Đồng Luông, trường mầm non Quảng Chu, huyện Chợ Mới chia sẻ: Điểm trường Đồng Luông cách trường chính 5km, với 35 học sinh, đặc biệt đây là điểm trường 100% học sinh là người đồng bào dân tộc Mông, trẻ nói tiếng Việt chưa sõi, nhất là trẻ 3 tuổi.

Quá trình dạy học, các cô giáo luôn chú trọng việc sửa lỗi phát âm cho trẻ khi phát âm những từ khó hoặc bị ngọng, tăng cường thêm các tiết học lồng ghép việc giao tiếp, đối thoại qua các tiết học, tạo môi trường thân thiện, tích cực để trẻ được khám phá, trải nghiệm và trau dồi vốn tiếng Việt. Tuy nhiên, do đặc thù xa trường chính, nên các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa còn hạn chế.

Điểm trường Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới với 100% học sinh là người dân tộc Mông.

Điểm trường Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới với 100% học sinh là người dân tộc Mông.

Tập trung tăng cường dạy Tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ

Theo kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, đối với cấp học mầm non, sẽ tập trung tăng cường dạy Tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ tại 41 trường thuộc 5 huyện: Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hóa và Phú Bình.

Tại trường Mầm non Bảo Linh, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với trên 90 % học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số đời sống kinh tế xã hội của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Chủ yếu là người dân tộc Dao, Nùng, Sán Chay các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều thiếu thốn.

Thực hiện Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025”, trường mầm non Bảo Linh đã triển khai đa dạng các phương pháp, nội dung, trong đó chú trọng đến nghe, nói đọc.

Cô Ma Thị Thu Trang, giáo viên Trường Mầm non Bảo Linh, huyện Định Hóa cho biết: "Trường mầm non Bảo Linh nằm ở xã vùng cao do đó đa số trẻ là người dân tộc thiểu số, vì vậy, trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, giáo viên luôn quan tâm, chú trọng thực hiện tăng cường Tiếng Việt cho trẻ trong tất cả mọi hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động phát triển ngôn ngữ.

Bên cạnh đó, môi trường ở trong và ngoài lớp đều được trang trí, sắp xếp để góp phần tăng cường Tiếng Việt cho trẻ. Song song với dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, nhà trường cũng lồng ghép tiếng mẹ đẻ trong các hoạt động dạy học, qua đó các em đọc, phát âm, nói sõi cả tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc của quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.