Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng vào phòng, chống HIV/AIDS để góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Dự án sẽ cung cấp các gói dịch vụ dự phòng HIV gồm tuyên truyền, vận động, khuyến khích sử dụng bơm kim tiêm, bao cao su, thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng và các biện pháp can thiệp giảm tác hại khác nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các hành vi an toàn cho các Nhóm chính trong ứng phó với HIV, đồng thời chuyển gửi các ca dương tính với HIV tới các cơ sở y tế để điều trị HIV bằng thuốc ARV và các đối tượng nghiện chích ma túy tới Chương trình Methadone tại 15 tỉnh của dự án.
Đồng thời củng cố và tăng cường năng lực đối với các hệ thống cộng đồng bền vững tại 15 tỉnh của dự án, tương thích trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm tăng khả năng tiếp cận của hệ thống này đến các nhóm KP là các nhóm có hành vi nguy cơ cao và khó tiếp cận nhất, tạo điều kiện cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cho các nhóm này.
Bên cạnh đó thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận các dịch vụ y tế và các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm đảm bảo các quyền của họ về chăm sóc y tế, không bị kỳ thị và phân biệt đối xử và được tham gia đầy đủ vào các hoạt động của xã hội.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2020 tại 15 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu với số vốn ODA không hoàn lại là gần 6,5 triệu USD, vốn đối ứng bằng hiện vật.