Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. Cùng dự, có Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc và đại diện lãnh đạo các đơn vị của 2 Bộ.
Công tác giáo dục - đào tạo trong quân đội chuyển biến tích cực
Báo cáo kết quả phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác giáo dục-đào tạo trong quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết: Năm 2021, trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp, được sự phối hợp, giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, công tác giáo dục và đào tạo trong Quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Các nhà trường đã tổ chức khai giảng, đào tạo, bế giảng các khóa học theo đúng kế hoạch. Chất lượng tuyển sinh đào tạo được nâng lên. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng vững chắc. Công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo được tăng cường. Hợp tác đào tạo được mở rộng. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non trong Quân đội được đạt chuẩn quốc gia.
Các nhà trường được tham gia nhiều hơn trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thi, hội thao do Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tổ chức. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và Giáo dục quốc phòng - An ninh được thực hiện nghiêm túc.
Năm học 2020-2021, có 6 học viện, trường Quân đội được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua và Bằng khen; 21 nhà trường được Bộ tổng tham mưu tặng Bằng khen.
Để hoàn thành thắng lợi công tác giáo dục và đào tạo trong Quân đội năm 2022, cần phát triển và phát huy kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp chỉ đạo. Trong đó, tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo. Thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo của Nhà nước và Quân đội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chương trình, đề án của Chính phủ, Quân đội về công tác giáo dục-đào tạo, công tác quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.
Đồng thời, phối hợp trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục - đào tạo bảo đảm phù hợp với đặc thù quân đội. Phối hợp mở mã ngành đào tạo mới, ngành mũi nhọn, chuyên sâu cho các nhà trường Quân đội. Triển khai thực hiện đổi mới quy trình, chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới. Xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo bảo đảm thống nhất theo quy định chung và yếu tố bí mật quân sự. Triển khai, thúc đẩy hiệu quả tiến trình thực hiện các nội dung theo kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2020-2025.
Hai Bộ cũng cần phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyển sinh quân sự. Tăng cường, có nhiều biện pháp tuyên truyền hướng nghiệp, thu hút ngày càng nhiều thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường Quân đội… Phối hợp chỉ đạo các trường tổ chức thực hiện Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2021-2030" sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội theo quy định. Tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch của Bộ Quốc phòng thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030” trong Quân đội.
Cùng với đó, phối hợp chỉ đạo các học viện, trường cử cán bộ, giảng viên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại các địa phương. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động hội thảo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học. Thực hiện tốt nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong giáo dục - đào tạo. Quản lý chặt chẽ học viên quân đội đang học tập tại các trường ngoài quân đội và ở nước ngoài. Phối hợp tổ chức kiểm tra thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý, di chuyển nghĩa vụ quân sự đối với học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài ra, cũng cần chú trọng thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập ở địa bàn biên giới, hải đảo giai đoạn 2018-2025. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh sách liên kết Giáo dục quốc phòng - An ninh. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, các trung tâm Giáo dục quốc phòng - An ninh thực hiện môn học Giáo dục quốc phòng - An ninh cho học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện phòng chống dịch Covid-19. Chấn chỉnh sai phạm, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh, đưa công tác Giáo dục quốc phòng - An ninh cho học sinh, sinh viên đạt chất lượng, hiệu quả.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra khó khăn, hạn chế, nguyên nhân trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ; từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp cho công tác phối hợp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong quân đội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Các trường trong Quân đội không chỉ đổi mới mà cần tiên phong
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương đều nhấn mạnh tầm quan trọng và khẳng định hiệu quả công tác phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian qua. Lãnh đạo 2 Bộ cùng chung quan điểm cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phối hợp toàn diện trong thời gian tới.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định những hỗ trợ hết sức thiết thực, có ý nghĩa của Bộ Quốc phòng đối với ngành Giáo dục. Trong đó đáng chú ý là hỗ trợ trong giảng dạy môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh trong hệ thống giáo dục - đào tạo từ phổ thông đến đại học. Những hoạt động của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong duy trì, thực hiện tốt Chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ, phát triển trung tâm học tập cộng đồng, vận động học sinh trở lại trường; đặc biệt ở những khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, hải đảo vốn còn nhiều khó khăn. Hỗ trợ của Tập đoàn Viettel trong quản lý cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, triển khai hạ tầng số cho giáo dục-đào tạo…
Đặt vấn đề cho thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Trong đổi mới giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, hệ thống các trường của Quân đội không chỉ phải đổi mới cho hài hòa, phù hợp với xu hướng chung của toàn hệ thống, mà còn phải tiên phong. Muốn vậy, cần cùng rà soát, đánh giá hệ thống các trường này từ khâu tuyển sinh, tổ chức đào tạo, phương pháp dạy học, hạ tầng cơ sở vật chất, quản trị chuyển đổi số, hệ thống chương trình…; trong đó đặc biệt chú ý đổi mới phương pháp dạy học.
Nhấn mạnh phát triển khối đào tạo về khoa học công nghệ và kỹ thuật là một hướng ưu tiên nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho cho đất nước; Bộ trưởng đặt vấn đề một số trường đào tạo quân y, kỹ thuật của quân đội có thể cân nhắc đào tạo hệ dân sự để khai thác tối đa tiềm lực con người, nhân lực khoa học, trang thiết bị kỹ thuật…; Tập đoàn Viettel suy nghĩ, đề đạt việc có một trường đại học kỹ thuật và công nghệ mạnh để không chỉ đóng góp cho doanh nghiệp, cho ngành, mà cho đất nước.
Cũng theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng hết sức chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa truyền thống, lịch sử, kỹ năng sống… cho học sinh, sinh viên. Bộ trưởng mong muốn Bộ Quốc phòng đã chia sẻ, phối hợp, sẽ tiếp tục chia sẻ nhiều hơn nữa qua việc mở một số khóa rèn kỹ năng với cách làm bài bản; tạo điều kiện cho các nhà trường khai thác tốt hệ thống các bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện,… phục vụ giáo dục Lịch sử, truyền thống dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho học sinh…
Đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện những nội dung Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho Bộ Quốc phòng mở mã ngành đào tạo mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Tạo điều kiện để Bộ Quốc phòng thành lập Trung tâm kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo trong các nhà trường Quân đội.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đồng thời mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn, học liệu, ngân sách để Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện Đề án dạy và học Ngoại ngữ cho cán bộ, nhà giáo trong Quân đội. Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục-đào tạo phù hợp với đặc thù các nhà trường Quân đội. Phối hợp chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định số 13/2016/NĐ-CP về trình tự, thủ tục đăng ký và các chế độ chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự…
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đồng thời đã có những chỉ đạo đối với các đơn vị của Bộ Quốc phòng, các nhà trường của Quân đội nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo trong Quân đội thời gian tới.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương đã đại diện lãnh đạo 2 Bộ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng giai đoạn 2022-2025.