Tăng cường ngăn “bà hỏa” ngày cuối năm

GD&TĐ - Tuần qua tại TP Hà Nội liên tục xảy ra các vụ cháy, nổ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Hiện trường vụ nghi nổ bình gas tại khu nhà trọ H4, ngõ 18, ngách 79 phố Định Công Thượng, phường Định Công.
Hiện trường vụ nghi nổ bình gas tại khu nhà trọ H4, ngõ 18, ngách 79 phố Định Công Thượng, phường Định Công.

Dịp Tết cũng là thời điểm dễ xảy ra hỏa hoạn, đòi hỏi lực lượng chức năng phải luôn ở tư thế chủ động để ngăn chặn “bà hỏa”… 

Nhiều vụ cháy, nổ nghiêm trọng

Những ngày cuối cùng của năm 2021, vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra với 6 lán tại khu chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) tổng diện tích đám cháy khoảng hơn 900m2. Khu vực cháy là những khối nhà kết cấu khung thép lợp mái tôn, bên trong chứa nhiều vụn vải, quần áo, hàng tạp hóa, khiến cháy lan rất nhanh.

Sau gần 5 giờ nỗ lực cứu hỏa, đám cháy được dập tắt. Nguyên nhân ban đầu được Công an huyện Gia Lâm xác định là khởi phát từ quán gà Mạnh Hoạch sau đó lan sang các lán tạm của nhiều hộ kinh doanh. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng tiếp tục cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn cho người dân, đặc biệt là trong dịp Tết.

Ngay sau vụ cháy lớn trên, ngày 3/1 thì vụ nghi nổ bình gas tại khu nhà trọ H4, ngõ 18, ngách 79 phố Định Công Thượng, phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã gây hậu quả nghiêm trọng khi 3 người chết.

Cụ thể, Công an quận Hoàng Mai xác định danh tính các nạn nhân là anh Phạm Huy H, chị Trần Thị T và Phạm Duy H (tỉnh Hòa Bình) hiện đang thuê trọ tại đây.

Đồng thời, vụ nổ khiến 2 xe máy và 1 bình gas loại 12 kg bị cháy trơ khung, vật dụng gia đình bị cháy hoàn toàn.

Người dân chứng kiến vụ cháy tại hiện trường cho biết, khoảng 21 giờ ngày 3/1, khu vực nhà trọ trên đã phát ra một tiếng nổ lớn, kèm theo đó là một đám cháy. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày đám cháy được dập tắt. Hiện, Công an quận Hoàng Mai đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Thực tế, không chỉ riêng khu vực đông dân cư mới có nguy cơ cháy nổ cao, các khu vực chung cư, tòa nhà văn phòng, chợ dân sinh cũng tiềm ẩn nguy cơ và có cháy nổ thời gian qua.

Thống kê từ Công an TP Hà Nội cho thấy, năm 2021 trên địa bàn đã xảy ra 355 vụ cháy. Trong đó, có 8 vụ cháy lớn, 6 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 130 vụ cháy trung bình, 192 vụ cháy nhỏ, 18 vụ cháy rừng làm 12 người chết, 23 người bị thương.

Thiệt hại về tài sản ước tính 26,5 tỷ đồng, so với năm 2020, giảm 56 vụ cháy nhưng lại gia tăng số người tử vong lên con số 6. Cũng trong năm vừa qua, đã xảy ra 456 vụ chập điện trên cột và 827 sự cố cháy điện...

Cùng với tình hình Covid-19 có diễn biến phức tạp, ngoài nhiệm vụ tăng cường phòng chống dịch thì Công an TP Hà Nội còn phải đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn, tiếp nhận 221 tin báo CNCH. Trong đó, 33 vụ mắc kẹt, 31 vụ đuối nước, 45 vụ tự tử, 3 vụ sập đổ công trình, 4 vụ cứu hộ giao thông, 18 vụ tai nạn giao thông và 87 vụ việc khác... Tham gia tổ chức CNCH 178 vụ, cứu được 74 người, tìm được 47 thi thể.

Ngăn hỏa hoạn từ cơ sở

Chiều 4/1, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an trong công tác PCCC và CNCH. Đồng thời, rà soát các vướng mắc, bất cập trong hành lang pháp lý, nhất là tiêu chuẩn, quy chuẩn pháp luật liên quan đến PCCC. 
Thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, có công tác PCCC, các đơn vị, địa phương phải có kế hoạch cụ thể, gắn với kế hoạch cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Về nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn PCCC và CNCH, Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội - cho biết, hiện thành phố có 1.437 công trình nhà cao tầng, 5.311 khu dân cư, trong đó có 438 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Cùng với đó là 9 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp.

Đại tá Dương dự báo thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên địa bàn Thủ đô tiếp tục diễn biến phức tạp. Qua đó, đòi hỏi lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phải luôn ở tư thế chủ động, sẵn sàng cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn kinh nghiệm thực tiễn.

Đại tá Dương nhấn mạnh, việc rút kinh nghiệm, kiểm điểm cá nhân, tổ chức trong công tác quản lý Nhà nước để xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng là một trong những nhiệm vụ được quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Từ đó để hạn chế các sai phạm cũng như tồn tại trong công tác phòng ngừa cháy, nổ.

Trong năm 2021, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức rút kinh nghiệm đối với 697 vụ cháy, 178 vụ CNCH thuộc diện rút kinh nghiệm. Công an thành phố Hà Nội đã quyết định xử lý, phê bình, yêu cầu chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với 8 tập thể, kiểm điểm, đánh giá vào mức hoàn thành nhiệm vụ năm đối với 3 Chỉ huy Công an cấp huyện, 7 Chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC và CNCH và 7 cán bộ kiểm tra; kỷ luật khiển trách đối với 1 cán bộ kiểm tra.

Nhiệm vụ thời gian tới, Đại tá Dương yêu cầu chỉ huy các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm từ những vụ cháy, tồn tại về PCCC trên địa bàn. Với các vụ cháy, sự cố, tai nạn lớn, phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng, huy động nhiều lực lượng trên địa bàn tham gia cứu chữa.

Đồng thời, chủ động tham mưu, đề xuất UBND cùng cấp tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện, có sự tham dự của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, nhằm thống nhất chung trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại địa phương.

Thống kê Bộ Công an, năm 2021, toàn quốc xảy ra 2.245 vụ cháy, làm chết 85 người, bị thương 130 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 374,42 tỷ đồng và khoảng 3.670 ha rừng. Xảy ra 21 vụ nổ, làm 12 người chết, bị thương 15 người. Ngoài ra, trong năm 2021 xảy ra 2.769 vụ sự cố. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ cháy giảm 543, tăng 10 người chết...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ