Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam – CHLB Đức

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam – CHLB Đức

(GD&TĐ) - Sáng nay 3/1, tại trụ sở Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi tiếp tân Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, ngài Claus Wunderlich.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hoan nghênh tân Đại sứ đến thăm Bộ GD&ĐT, đặc biệt Đại sứ là vị khách nước ngoài đầu tiên “xông đất” Bộ GD&ĐT đầu năm mới 2012.
Bộ trưởng cũng chúc mừng ngài Đại sứ đã chính thức nhận công tác tại Việt Nam và mong Đại sứ sẽ có một nhiệm kỳ thành công, đóng góp tích cực vào sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. 
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Đại sứ Claus Wunderlich tại buổi tiếp
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Đại sứ Claus Wunderlich tại buổi tiếp

Vui mừng trước những bước phát triển ngày càng tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian qua, đặc biệt khi Việt Nam và Đức đã phát triển mối quan hệ hợp tác lên tầm đối tác chiến lược, Đại sứ Claus Wunderlich bày tỏ lạc quan trước những dự án hợp tác giáo dục giữa hai nước đang được triển khai mạnh mẽ.

Đại sứ Claus Wunderlich cho biết, năm 2012 được đánh dấu là năm quan trọng trong nhiệm kỳ công tác của ông tại Việt Nam, vốn xuất thân là một nhà giáo nên ông đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực hợp tác giáo dục. Trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ Claus Wunderlich đặt mục tiêu ưu tiên vào phát triển các dự án hợp tác giáo dục tại Việt Nam... 

Trong các dự án hợp tác giáo dục hai bên đang triển khai, Đại sứ Claus Wunderlich cho rằng: Hợp tác xây dựng Đại học Việt – Đức là Dự án rất quan trọng. Xây dựng Đại học Việt – Đức là nền tảng để hai nước phát triển hợp tác ngoại giao lên tầm chiến lược. Đây là dự án thành công mà hai bên cùng triển khai và chúng ta đang tiếp tục hợp tác để đưa ĐH này phát triển cả về quy mô và mặt nhân sự. 
Bên cạnh đó, Đại sứ Claus Wunderlich đã đề cập đến việc xây dựng và phát triển Trường phổ thông Quốc tế Đức đầu tiên tại Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh. Đây được xem là dự án quan trọng mà ngài Đại sứ đề xuất Bộ GD&ĐT hỗ trợ để nhà trường tiếp tục tuyển sinh vào năm học 2012-2013. Với mô hình quốc tế hiện đại, nhà trường cũng sẽ xin giấy phép tuyển học sinh Việt Nam có nhu cầu theo học.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Đại sứ Claus Wunderlich
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Đại sứ Claus Wunderlich tại buổi tiếp
Về việc triển khai Dự án dạy tiếng Đức trong các trường phổ thông tại Việt Nam, Đại sứ Claus Wunderlich nhấn mạnh: Từ năm 2005 đến này dự án này đã được triển khai khá hiệu quả, đã có hàng nghìn HS Việt Nam theo học tiếng Đức và phía Đức cũng cử nhiều giáo viên sang giảng dạy. Chính vì vậy, trong năm 2012, hai bên cần ký biên bản ghi nhớ về triển khai chương trình trong giai đoạn 2 của dự án này...
Đánh giá cao sự quan tâm của ngài Đại sứ với các dự án hợp tác giáo dục giữa hai nước, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Bộ GD&ĐT luôn ủng hộ các chủ trương hợp tác chiến lược giữa hai nước, đặc biệt là các dự án mà hai bên đang triển khai trong lĩnh vực hợp tác GD&ĐT. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, mới đây Bộ trưởng đã truyền đạt ý kiến sang bang Hessen về việc lựa chọn hiệu trưởng mới cho ĐH Việt – Đức.
Bên cạnh đó Bộ GD&ĐT cũng đã gửi văn bản trình lên Thủ tướng Chính phủ nhằm miễn visa ngắn hạn cho các Giáo sư ĐH Việt - Đức. Đồng thời Bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin với Đại sứ quán Đức tại Việt Nam. 
Đối với Dự án xây dựng trường phổ thông Quốc tế Đức tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD&ĐT đã giao TP. HCM về công tác triển khai các thủ tục nằm trong khuôn khổ của dự án diễn ra thuận lợi, còn về tuyển sinh đối tượng là HS Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền của Sở GD&ĐT TP.HCM giải quyết...
Từ kết quả khả quan trong giai đoạn 1 của Dự án dạy tiếng Đức trong các trường phổ thông Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Bộ GD&ĐT ủng hộ tiếp tục giai đoạn 2 của dự án và hai bên cần sớm ký kết Bản ghi nhớ về tiếp tục hợp tác triển khai dự án này.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng nhấn mạnh: Việc tăng cường hợp tác nhất là trong học tập và giảng dạy ngôn ngữ cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, khoa học... Đây cũng là biểu hiện sinh động khi hai nước trở thành đối tác chiến lược.
Xuân Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ