Ngày 22/10, Bộ GD&ĐT phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức khai mạc hội nghị về Chương trình Erasmus+, với sự tham dự của gần 50 cơ sở giáo dục đại học từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và hơn 100 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 22 và 23/10 tại Hà Nội với các phiên thảo luận: Chương trình Nâng cao năng lực giáo dục Đại học (CBHE), Trao đổi tín chỉ quốc tế (ICM) và Hợp phần Jean Monnet (JMA). Bên cạnh đó, đại diện các trường đại học từ cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, minh họa những thành tựu và cơ hội mà Erasmus+ mang lại.
Ngoài ra, các nội dung thảo luận tập trung vào Đề án 89, chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam; trao đổi giữa mạng lưới cựu du học sinh EU và các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nhằm cung cấp nhu cầu của doanh nghiệp đối với nhân lực, từ đó mở rộng đào tạo để phù hợp với thực tiễn.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Việt Nam luôn coi giáo dục là chính sách ưu tiên hàng đầu, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam hiểu rõ nhu cầu chủ động hội nhập với thế giới và thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong nước.
Việt Nam hiện có khoảng 200.000 sinh viên đang học ở nước ngoài. Đến cuối 2024, Việt Nam cũng thu hút 4,5 tỷ USD trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, có 430 chương trình liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài được triển khai tại 65 cơ sở giáo dục trong nước, trong đó một nửa là với các trường khu vực châu Âu.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, quan hệ đối tác giữa châu Âu và Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, trong đó hợp tác giáo dục đại học là một trọng tâm lớn. Đặc biệt, từ năm 2015, khi chương trình Erasmus+ chính thức khởi động nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực, mở rộng kết nối và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo đại học của châu Âu và Việt Nam.
Thông qua chương trình, 3.400 sinh viên, giảng viên và nhà quản lý giáo dục đại học đã tham gia các khóa học dài hạn và ngắn hạn ở châu Âu. Việt Nam nhiều lần lọt vào tốp 20 thế giới với hơn 600 sinh viên được trao giải. Năm 2024, có 54 ứng viên người Việt Nam nhận được học bổng của chương trình để học sau đại học.
Chương trình còn tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học châu Âu và Việt Nam trong nghiên cứu khoa học, phát triển các chương trình đào tạo và các dự án nghiên cứu chung. Với 96 dự án trong giai đoạn này, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ phê duyệt cao nhất.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng chia sẻ việc Chính phủ Việt Nam mới ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nhằm thu hút hơn nữa các nguồn lực. Đây là cơ hội rất tốt cho các cơ sở giáo dục đại học châu Âu cân nhắc nắm bắt cơ hội.
Ông Margaritis Schinas - Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu chia sẻ, Erasmus+ từ lâu đã là biểu tượng của giáo dục và giao lưu văn hóa tại châu Âu. Việc mở rộng phạm vi của Erasmus+ không chỉ mở ra thêm nhiều cơ hội giáo dục, mà còn củng cố mối quan hệ hợp tác với các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.