Tăng cường hàng rào kỹ thuật đối với thịt nhập khẩu

GD&TĐ - Tuy hiện nay lượng thịt gia súc, gia cầm nhập ngoại không lớn, nhưng đang tác động xấu đến ngành chăn nuôi của nước ta. Trong xu thế hội nhập, nhập khẩu (NK) thịt là điều tất yếu, nhưng các cơ quan chức năng cần công khai, minh bạch số liệu, giá cả NK, nguồn gốc xuất xứ, tăng cường các hàng rào kỹ thuật nhằm tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển ngành chăn nuôi trong nước.

Tăng cường hàng rào kỹ thuật đối với thịt nhập khẩu

Thịt NK đều được kiểm tra nghiêm ngặt

Từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã NK khoảng 16.000 tấn thịt gia súc, gia cầm, bằng 26,4% so với cùng kỳ năm trước; thịt gà NK gần 15.000 tấn, giảm 30%. Số lượng thịt NK chủ yếu ở thị trường Mỹ, Australia, Ấn Độ, Brazil, Tây Ban Nha. Cục Thú y đánh giá hầu hết thịt các nước nhập về Việt Nam đều được cơ quan thú y kiểm tra hồ sơ, kiểm tra lô hàng trước khi thông quan. Chỉ những lô hàng có nhãn mác ghi rõ nhà máy sản xuất trùng với nhà máy đã được Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cấp mã số (code) xuất khẩu vào Việt Nam, có đóng dấu chứng nhận của Bộ Nông nghiệp các nước trùng khớp với mã trên giấy kiểm dịch do cơ quan thú y cấp mới được phép thông quan.

Theo quy định, định kỳ Cục Thú y chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu xây dựng kế hoạch giám sát các chất tồn dư trong thịt NK, tổ chức lấy mẫu kiểm tra các chất tồn dư. Trong quý I năm 2017, qua kiểm tra 60 mẫu thịt NK đã phát hiện 2 mẫu thịt bò NK từ Mỹ có chất ratopamin (một chất tăng trọng mà nước ta đã cấm, nhưng một số nước lại cho dùng với số lượng nhỏ để kích thích tăng trưởng cho vật nuôi), nhưng ở dưới ngưỡng cho phép theo quy định của Bộ Y tế.

Lý giải về giá thịt NK rẻ hơn trong nước, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, do nền sản xuất chăn nuôi hiện đại, khép kín từ sản xuất con giống tới thương phẩm, nên chi phí đầu vào của các nước luôn thấp hơn so với Việt Nam từ 10 - 20%. Chẳng hạn trong khi giá thành sản xuất thịt lợn hơi của Việt Nam khoảng 38.000 - 39.000 đồng/kg, thì thịt lợn ở Mỹ chỉ ở mức 20.000 đồng/kg. Vì vậy, khi về Việt Nam, thịt nhập ngoại bán với giá thấp hơn sản phẩm thịt trong nước là điều dễ hiểu.

Mặc dù số lượng NK thịt không nhiều, chỉ đáp ứng 7 - 8% nhu cầu tiêu thụ trong nước và chỉ tập trung ở Hà Nội và TPHCM nhưng đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng vì họ có sự so sánh, dẫn đến hoang mang khi lựa chọn giữa 2 loại sản phẩm. Thậm chí việc này đã ảnh hưởng mạnh tới các hộ chăn nuôi trong nước vì sức cạnh tranh kém.

Cần cải tiến công nghệ trong chăn nuôi

Với nền kinh tế thị trường, NK thịt từ các nước có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là việc lưu thông hàng hóa thông thường giữa các quốc gia. Để sản phẩm thịt không bị thua ngay trên “sân nhà”, con đường duy nhất của ngành chăn nuôi là cần cải tiến công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hiện nay Cục Chăn nuôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ NN&PTNT rà soát lại quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật các loại thịt NK vào Việt Nam nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Nghiêm cấm các doanh nghiệp NK thịt có chứa chất kháng sinh, kể cả chất ratopamin. Cục Chăn nuôi cũng đang xây dựng phần mềm dự báo giá cả thị trường các mặt hàng thịt sản xuất trong nước cũng như NK.

Về lâu dài, ngành chăn nuôi trong nước cần đầu tư xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ con giống, trang trại, nhà máy giết mổ đến hệ thống phân phối thực phẩm. Các địa phương khuyến cáo người dân phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAP hữu cơ, các loại con đặc sản để tạo sản phẩm đặc thù.

Các tỉnh, thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, quỹ đất để khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng chuồng trại quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm giảm giá thành đầu vào, nâng cao chất lượng thịt, để chăn nuôi nội địa đứng vững trước làn sóng NK thịt như hiện nay. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và tránh được nguy cơ bị nhiễu thông tin khi tham gia các hoạt động thương mại...

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), để kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm chăn nuôi NK cũng như ổn định thị trường trong nước, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm này khi NK vào Việt Nam phải đảm bảo chất lượng tốt, giá thành hợp lý... Mặt khác, ngành chăn nuôi trong nước cũng phải cải tiến kỹ thuật để giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.