Tăng cường giao lưu giữa các bậc học để hướng nghiệp hiệu quả

GD&TĐ - Đưa học sinh đến trải nghiệm tại các trường đại học, cao đẳng là cách mà các trường THPT trên địa bàn TPHCM đang đẩy mạnh thực hiện.

Học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông trải nghiệm thực tế tại Trường Đại học quốc tế Sài Gòn.
Học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông trải nghiệm thực tế tại Trường Đại học quốc tế Sài Gòn.

Đi từng trường, gõ từng ngành

Hàng năm Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Bình Tân) đều tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm tại nhiều trường đại học trên địa bàn TPHCM như: Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Hoa sen… Hoạt động này giúp các em tìm hiểu các ngành nghề đào tạo, môi trường học tập cũng như cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học.

Sau khi đến tham quan tại Trường Đại học quốc tế Sài Gòn, em Huỳnh Ngọc Diễm Hằng, học sinh lớp 11A2 chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em đến thực tế tại một trường đại học. Từ cơ sở vật chất, kho tài liệu tra cứu ở thư viện đến thói quen học tập của các anh chị sinh viên đều khác rất nhiều so với bậc phổ thông. Chuyến tham quan giúp em củng cố mục tiêu thi đậu vào trường đại học mơ ước”.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Lệ, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước khi tham gia chuyến đi thực tế, học sinh đã được nghe tư vấn tại trường. Sau thời gian tìm hiểu và cân nhắc, các em được yêu cầu lựa chọn một trường đại học yêu thích để đăng ký tham quan tìm hiểu. Hoạt động nhằm tăng cường hiệu quả hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em tìm hiểu sâu hơn về các ngành học, từ đó xác định mục tiêu phấn đấu phù hợp khả năng, sở thích và điều kiện tài chính của gia đình.

Việc đến trải nghiệm thực tế tại trường đại học giúp học sinh hiểu hơn về yêu cầu học tập ở bậc học này, củng cố các mục tiêu phấn đấu.

Việc đến trải nghiệm thực tế tại trường đại học giúp học sinh hiểu hơn về yêu cầu học tập ở bậc học này, củng cố các mục tiêu phấn đấu.

Cùng với việc đưa học sinh đến tham quan trải nghiệm thực tế tại các trường đại học, Ban giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông còn mời các trường đại học, trường nghề đến hướng nghiệp cho học sinh tại trường. “Bất kỳ có thông tin gì liên quan đến tuyển sinh, nhà trường cập nhật và phổ biến ngay cho học sinh, để các em có cơ sở lựa chọn ngành nghề đúng và trúng”, cô Lệ cho hay.

Những chương trình hoạt động trên đã giúp học sinh biết được bản thân mình thích điều gì, có điểm mạnh gì và điểm yếu như thế nào để có thể chọn được một nghề nghiệp hay công việc thật phù hợp trong tương lai. Cô Lệ cho biết thêm: “Hiện nay thông tin về các trường đại học, cao đẳng với các ngành nghề đào tạo có rất nhiều trên mạng internet. Tuy nhiên, việc học sinh được trải nghiệm thực tế, được các giảng viên giải đáp các thắc mắc đã giúp các em hiểu hơn về yêu cầu học tập ở bậc đại học, củng cố các mục tiêu phấn đấu”.

Đa dạng hình thức

Hiện nay, toàn TPHCM có hơn 200 trường THPT, bên cạnh hình thức hướng nghiệp tại chỗ trực tiếp cho học sinh, đơn vị tổ chức có thêm nhiều hình thức cung cấp thông tin cho các em không có điều kiện tham gia trực tiếp vẫn có thể tiếp cận thông tin chính thống bằng nhiều hình thức khác nhau để tham khảo, giúp ích cho quá trình lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Theo hướng dẫn của Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TPHCM, trong chương trình mới, trải nghiệm hướng nghiệp gồm nhiều hoạt động trong và ngoài nhà trường, như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ. Mặt khác, do đây là hoạt động giáo dục bắt buộc nên học sinh sẽ được kiểm tra, đánh giá định kỳ phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị.

Theo cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), trước đây để tiết kiệm chi phí tổ chức, nhà trường tư vấn tuyển sinh theo hình thức phối hợp với các trường đại học tổ chức giải đáp thắc mắc, giới thiệu ngành học mới trong tiết sinh hoạt dưới cờ hay một buổi tập trung tại sân trường.

Tuy nhiên, cách làm này chưa mang lại hiệu quả thực chất, nên trường đã phối hợp với các trường đại học tại TPHCM như: Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học FPT, Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học Hoa Sen, Đại học Sài Gòn, Đại học Văn Lang, ...cũng như các doanh nghiệp để cho học sinh tham quan, tìm hiểu môi trường học tập, làm việc thực tế. Các em sẽ được trao đổi với trực tiếp với các giảng viên hay người lao động đang công tác trong các lĩnh vực để từ đó có cái nhìn thực tế.

Học sinh Trường THCS Xuân Trường (TP Thủ Đức) đến tham quan thực tế tại Trường THPT Đào Sơn Tây.

Học sinh Trường THCS Xuân Trường (TP Thủ Đức) đến tham quan thực tế tại Trường THPT Đào Sơn Tây.

Không chỉ tổ chức hướng nghiệp cho học sinh THPT, những năm qua, Trường THPT Đào Sơn Tây còn đẩy mạnh hoạt động giao lưu với các trường THCS trên địa bàn lân cận nhằm tạo cơ hội cho học sinh lớp 9 tham quan tìm hiểu môi trường học tập ở bậc THPT.

Cô Hoàng Thị Hảo cho biết, hàng năm nhà trường đều tổ chức cho học sinh đến các trường trú đóng trên địa bàn TP Thủ Đức như: THCS Xuân Trường, THCS Nguyễn Văn Bá, THCS Linh Trung để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập kết hợp biểu diễn văn nghệ.

Trọng tâm của hoạt động là giới thiệu về THPT Đào Sơn Tây, định hướng chọn trường THPT. Đồng thời cho cựu học sinh trường đó mà hiện tại đang học tại Đào Sơn Tây chia sẻ kinh nghiệm chọn trường, thực tế kết quả bản thân đã nhận được khi học tại Đào Sơn Tây.

Ngoài ra, phụ huynh và học sinh các trường THCS được tạo cơ hội đến Trường THPT Đào Sơn Tây tham quan, tìm hiểu môi trường học tập cũng như hoạt động của các câu lạc bộ sáng thứ 7 hàng tuần vào khoảng giữa học kỳ 2 của năm học.

Để nâng cao hiệu quả hướng nghiệp cho học sinh, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường THPT lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào các môn học và hoạt động giáo dục khác. Đồng thời tổ chức cho học sinh trải nghiệm ngành nghề tại cộng đồng, cơ quan, doanh nghiệp tối thiểu 1 lần/năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.