Hướng nghiệp thông qua giáo dục kỹ năng mềm

GD&TĐ - Học sinh các trường ở Nam Trà My, Quảng Nam được phổ biến kỹ thuật, kiến thức trồng dược liệu dưới tán rừng, gắn liền với thế mạnh của địa phương.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Don thực hành trồng cây dược liệu tại vườn trường.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Don thực hành trồng cây dược liệu tại vườn trường.

Thực học, thực hành

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) xây dựng một chương trình riêng về giáo dục kỹ năng trồng dược liệu dưới tán rừng, phù hợp với từng khối lớp.

Thầy Nguyễn Đăng Chín – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với học sinh lớp Một, học sinh sẽ được hướng dẫn nhận biết một số loại cây dược liệu phổ biến tại địa phương. Lượng kiến thức ở các lớp sẽ tăng dần lên, để đến khi học xong Tiểu học, các em phải nhận dạng được tất cả các loại cây dược liệu, biết thêm dược tính và giá trị kinh tế của từng loại cây mang lại”.

Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS thực hành trồng sa nhân tím tại vườn trường và tự chăm sóc cây, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của giáo viên.

Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS thực hành trồng sa nhân tím tại vườn trường và tự chăm sóc cây, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của giáo viên.

Lên đến THCS, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam sẽ được hướng dẫn thêm về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu. Những nội dung này, nhà trường lồng ghép vào một số môn học như sinh học, kỹ thuật… Ngoài ra, học sinh còn được thực hành kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ nguồn giống các loại dược liệu đặc hữu của địa phương như sâm Ngọc Linh, quế, giảo cổ lam, sa nhân tím, đương quy… ngay tại vườn trường.

Sau Tết Nguyên đán 2022, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của thầy cô giáo, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam đã trồng 500 cây quế và 100 cây sa nhân tím trong khuôn viên trường.

Em Nguyễn Lâm Trường, học sinh lớp 8 cho biết: “Em cũng có phụ làm rẫy với gia đình nhưng bố mẹ em chỉ làm theo kinh nghiệm là chủ yếu. Em không được giải thích vì sao với loại cây này thì phải đào hố, cây kia thì lên luống… Mà thường em cũng chỉ được phụ các công việc lặt vặt thôi, không được tự tay trồng cây. Tự trồng cây, theo dõi quá trình cây phát triển, rồi chăm sóc, bắt sâu… em thấy rất thú vị, có thêm kiến thức khoa học để có thể hỗ trợ bố mẹ phát triển rẫy trồng cây dược liệu”.

Thời điểm tháng 10/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Nam Trà My, nhờ vườn cây thuốc nam của trường, trong đó có sả, gừng nên những học sinh nào có dấu hiệu cảm cúm đều được tách riêng và chuyển về phòng cách ly tạm thời, thực hiện test nhanh. Giáo viên sẽ hướng dẫn các em cách xông mũi, họng để điều trị dự phòng. Nhờ vậy mà học sinh của trường ít bị nhiễm Covid hoặc khi nhiễm thì cũng nhanh khỏi ” – thầy Chín cho biết.

Gắn hướng nghiệp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương

Học sinh khối lớp 8, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Don (Nam Trà My) được xem một bộ phim về xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Giáo viên gợi ý học sinh thảo luận một số nội dung sau khi xem phim. Các em sẽ thảo luận nhóm một số nội dung như Việc phát triển trồng các loại cây như keo lai, lúa nước, sắn,… như hiện nay có thể giúp gia đình thoát nghèo được không? Để giúp cải thiện kinh tế thì có thể thay đổi trồng các loại cây gì? Những loại cây nào phù hợp với địa phương, có thể trồng xen cây dược liệu nào với các loại cây nào?

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Don làm đất để thực hành trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Don làm đất để thực hành trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Lên lớp 9, trong nội dung hướng nghiệp, học sinh sẽ được cung cấp thêm những ưu thế của Nam Trà My trong việc trồng cây dược liệu. Giáo viên sẽ phổ biến thêm thông tin về chính sách đãi ngộ cây giống cho những hộ đăng ký thoát nghèo như hỗ trợ 5 triệu đồng/ hộ để mua cây giống…

Cây giảo cổ lam do học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Don trồng và chăm sóc trong vườn trường

Cây giảo cổ lam do học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Don trồng và chăm sóc trong vườn trường

Quá trình lồng ghép nội dung trồng cây dược liệu dưới tán rừng vào môn sinh học của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Don đã góp phần cải thiện chất lượng học tập bộ môn của học sinh rõ rệt. Em Đinh Văn Theo và Nguyễn Thị Nhẵn – học sinh lớp 9, đã vận dụng kiến thức đó vào cuộc thi tích hợp liên môn do Bộ GD&ĐT tổ chức và đạt giải khuyến khích cấp tỉnh với đề tài “Trồng dược liệu dưới tán rừng”. Em Nguyễn Thị Hà Vy và Hồ Thị Mĩ Trinh giải Khuyến khích cấp tỉnh với đề tài “Chiết xuất dược tính của các cây dược liệu”.

Thầy Bùi Ngọc Luận – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My cho biết, trong nội dung giáo dục địa phương, nhà trường đều tổ chức cho học sinh trải nghiệm tại vườn sâm Ngọc Linh. Từ những mô hình này, học sinh sẽ có thêm một hướng mở cho lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Như em Nguyễn Thanh Tú (khóa tốt nghiệp năm 2022) đã chọn theo học tại Trường ĐH Kinh tế Nông nghiệp – ĐH Huế.

UBND huyện Nam Trà My có chủ trương vận động người dân thực hiện chuyển đổi một số loại cây trồng hiệu quả giá trị kinh tế thấp. Theo đó, sẽ tập trung trồng các loại cây dược liệu có khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu… của địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Từ đó giúp cho huyện Nam Trà My phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.