Tăng cường giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu trong trường học

GD&TĐ - Sáng nay 13/12 tại Trường Tiểu học (TH) Hương Long (TP Huế), Bộ GD&ĐT, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã tổ chức tổng kết Dự án sáng kiến giáo dục vì sự phát triển bền vững.

PGS.TS Lê Trọng Hùng - Phó vụ trưởng Vụ KHCNMT (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại lễ tổng kết
PGS.TS Lê Trọng Hùng - Phó vụ trưởng Vụ KHCNMT (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại lễ tổng kết

Đến dự có bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng phòng UNESCO tại Việt Nam và PGS.TS Lê Trọng Hùng - Phó vụ trưởng, Vụ KHCN-MT Bộ GD&ĐT

Tại Thừa Thiên Huế trong hai năm qua, Dự án sáng kiến giáo dục vì sự phát triển bền vững đã được triển khai tại những điểm trường thấp trũng, thường xuyên bị tác động bởi thiên tai như: Trường TH Hương Long (TP Huế),  TH Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), TH Hương Vinh (Thị xã Hương Trà), Trường TH số 1 xã Phú Mậu và trường TH Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, Thị xã Hương Thủy).

Thành công của dự án chính là giúp giáo viên phương pháp tiếp cận mới, các nguồn tri thức từ đào tạo trực tuyến, tích cực vận dụng vào thực tiễn giáo dục của nhà nhà trường. 

Ngoài ra giúp nhà trường biết kết nối với cộng đồng trong giáo dục, trong xây dựng môi trường giáo dục, xây dựng kế hoạch hành động của cộng đồng để ứng phó với thiên tai, thảm họa môi trường. Đồng thời tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Phát biểu tại buổi lễ PGS.TS Lê Trọng Hùng cho biết đây là một mô hình hợp tác mới công - tư trong phát triển bền vững. Một nỗ lực nhằm tăng cường sự ứng phó của ngành Giáo dục đối với những thách thức hiện nay về phát triển bền vững thích hợp nội dung Giáo dục vì sự phát triển bền vững (GDVSPTBV).

Đây là hợp tác mới vì tham gia vào hợp tác này gồm nhiều đơn vị từ trung ương đến địa phương. Kết quả sáng kiến này phục vụ trực tiếp cho hoạt động thực hiện kế hoạch hành động của Bộ GD&ĐT về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được Bộ trưởng phê duyệt trong thời gain gần đây.

Tại buổi lễ tổng kết dự án, PGS.TS Lê Trọng Hùng đề nghị Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế sử dụng kết quả của mô hình này nhân rộng trong địa bàn toàn tỉnh, đề nghị các thầy cô giáo, các em học sinh và các bậc cha mẹ học sinh và các trường học luôn duy trì các hoạt động ngoại khóa, có kế hoạch đảm bảo sự an toàn cho chính bản thân mình và cộng đồng từ năm này qua năm khác. Phát huy những kết quả kinh nghiệm có được cho chính bản thân và những người xung quanh.

Để thực hiện GDVSPTBV là một nỗ lực chung của Bộ GD&ĐT và UNESCO với sự tài trợ của Samsung. Sáng kiến là một công cụ để tạo nên những chuyển biến xã hội, môi trường, thông qua 3 cấp độ tác động: trong trường học, ở cộng đồng xung quanh, và trong phạm vi toàn xã hội.

Sáng kiến quảng bá khẳng định rằng bảo tồn đa dạng sinh học, sống hòa hợp với thiên nhiên là một cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, các rủi ro khác góp phần đảm bảo cuộc sống hạnh phúc.

Khái niệm này được củng cố thông qua tăng cường nhận thức về các văn bản pháp luật và chiến lực quốc gia về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, tăng trưởng xanh. 

Việc đưa các năng lực này vào trong chương trình giảng dạy của nhà trường góp phần hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia đối với các đặc trưng của công dân thế kỷ 21.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ