Ngày 27/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc tiếp và làm việc với ông Edgar Doerig - Trưởng đại diện Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF).
Bày tỏ vui mừng khi đến thăm và làm việc tại Bộ GD&ĐT, ông Edgar Doerig cho biết: Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ luôn đồng hành với các chương trình dạy học ngoại ngữ tại Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy học sinh, sinh viên, giáo viên tăng cường năng lực tiếng Pháp.
Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 sẽ được tổ chức vào tháng 10/2024 tại Pháp với chủ đề “Sáng tạo, đổi mới và kinh doanh bằng tiếng Pháp”. Dịp này, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp dự kiến sẽ ký kết Thỏa thuận tăng cường giảng dạy tiếng Pháp tại Việt Nam.
OIF đặt Trung tâm Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương (CREFAP) tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Với sự hỗ trợ của CREFAP, nhiều hoạt động và sản phẩm quan trọng đã được thực hiện bởi các nhóm giáo viên dạy tiếng Pháp nòng cốt tại Việt Nam.
CREFAP đã tổ chức nhiều hoạt động như hỗ trợ học sinh học tiếng Pháp; hỗ trợ đội ngũ giáo viên dạy tiếng Pháp bằng các hội thảo, tập huấn; hỗ trợ biên soạn tài liệu giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp…
Ông Edgar Doerig hy vọng với những nỗ lực của hai bên, thời gian tới, hợp tác giữa hai nước sẽ trở nên hiệu quả hơn, nhất là trong giáo dục và đào tạo.
Trao đổi tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Tháng 4/2024, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT trong chuyến thăm Cộng hòa Pháp đã làm việc với bà Nivine Khaled, cố vấn của Tổng Giám đốc OIF.
OIF đã khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động như: Chương trình trao đổi giáo viên dạy tiếng Pháp Pháp ngữ; hỗ trợ hoạt động của Hiệp hội giáo viên dạy tiếng Pháp của Việt Nam; hỗ trợ việc dạy và học tiếng Pháp tại các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam.
Để hoạt động hợp tác thiết thực hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề xuất OIF hỗ trợ phía Việt Nam phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa; đào tạo và bồi dưỡng giáo viên tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp; hỗ trợ tăng cường năng lực của đội ngũ quản lý giáo dục.
Khai thác các học liệu hỗ trợ dạy và học tiếng Pháp, bằng tiếng Pháp cho các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam; hỗ trợ cập nhật thống kê số hóa về tình hình giảng dạy tiếng Pháp; kết nối các trường phổ thông của các nước Pháp ngữ với các trường phổ thông của Việt Nam thực hiện các dự án kết nghĩa hoặc liên kết giáo dục.
Đồng thời tăng cường sự hiện diện của giáo viên, tình nguyện viên Pháp ngữ tại các cơ sở giáo dục phổ thông có giảng dạy tiếng Pháp của Việt Nam; ưu tiên công tác quảng bá đa dạng ngôn ngữ và văn hóa.
Từ năm 2010, Việt Nam là thành viên của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước có sử dụng tiếng Pháp (CONFEMEN). Cùng với sự nỗ lực trong hoạt động giảng dạy Pháp ngữ giữa hai nước thời gian tới, hợp tác về giáo dục và đào tạo sẽ được nâng cao và góp phần xây dựng tình hữu nghị, mối quan hệ ngày càng bền chặt.