(GD&TĐ) - Chỉ mới đây thôi, TP Hà Nội đã kiểm tra hoạt động của các cơ sở đào tạo trên địa bàn và đã kiến nghị cơ quan chức năng dừng hoạt động đối với 2 trường đại học. Đó là Đại học Công nghệ & Quản lý Hữu Nghị được thành lập từ 2007 đến nay nhưng chưa có cơ sở vật chất ổn định, di chuyển nhiều địa điểm và Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà được thành lập và đăng ký trụ sở chính tại tỉnh Bắc Ninh, nhưng từ nhiều năm qua đến nay vẫn tuyển sinh, đào tạo tại Thanh Xuân, Hà Nội dù chưa được UBND TP Hà Nội và Bộ GD&ĐT đồng ý.
Còn trước đó TPHCM, Nghệ An, các cơ quan chức năng của những địa phương này cũng đã thanh tra, phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo của một số cơ sở GD đại học và cũng đã kiến nghị xử lý.
Đưa ra những ví dụ trên để nói rằng, chỉ riêng cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ thì không thể có “3 đầu 6 tay” để kiểm soát hoạt động của tất cả các trường, mà cần phải có sự giám sát xã hội, của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước từng địa phương và chính người dân, người đi học.
Nhận thức được vai trò giám sát xã hội là vô cùng quan trọng nên Bộ GD&ĐT đã từng đưa ra quy định yêu cầu các trường “3 công khai” và đưa hoạt động của các trường ĐH, CĐ chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước địa phương nơi trường đóng.
Thế nhưng không hiểu vì lẽ gì, các trường lập tức phản đối vì cho rằng cấp địa phương biết gì mà quản các trường đại học (?!). Thực ra, cơ quan quản lý địa phương không quản lý chuyên môn của các nhà trường, mà chỉ tham gia giám sát hoạt động của những trường này với chức năng cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.
Sẽ là rất tác dụng khi chỉ có địa phương và người học mới đánh giá được chính xác những nội dung: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; Công khai tài chính – chính xác tới mức nào.
Còn nhớ, tại Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục ĐH, CĐ ngoài công lập, GS Trần Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, từng cho biết Chủ tịch HĐQT một trường đại học đã phải lên tận Hà Nội để “cầu cứu” ông cho mượn một số thầy cô giáo của Đại học Kinh doanh & Công nghệ đứng tên để “qua mặt” Bộ GD&ĐT trong việc cho phép mở ngành, mở trường.
Chuyện của GS Trần Phương kể cho thấy một thực tế đang diễn ra ở một số ngành, trường mới mở. Thử hỏi, nếu các trường thực hiện nghiêm yêu cầu về “3 công khai”, trong đó có công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng với số lượng giảng viên cơ hữu thì chắc chắn không có chuyện một GS hay TS nào đó có thể đứng vai một lúc vài trường – xã hội, người học và cơ quan quản lý địa phương sẽ giám sát việc đó.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động của các trường ĐH, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường ĐH sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 tới đây.
Một nội dung quan trọng trong đó là việc bổ sung thêm quy định giải thể, theo đó các trường không thực hiện đúng cam kết thể hiện trong đề án được phê duyệt sau thời hạn 4 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực sẽ bị giải thể.
Không phải không có chế tài xử phạt các sai phạm, vấn đề là vi phạm đó có được phát hiện và xử lý nghiêm hay không mà thôi.
Thực hiện nghiêm các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường vai trò giám sát của xã hội và xử lý nghiêm theo đúng quy định, chắc chắn hoạt động của các trường ĐH, CĐ sẽ đi vào nề nếp.
Dư Khương