Tham gia tọa đàm có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (Bộ GD&ĐT); cùng đại diện các tổ chức đoàn thể của Bộ, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (Bộ GD&ĐT).
Tại buổi tọa đàm, bà Trần Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đưa ra 6 nội dung cần thảo luận, như: Đánh giá chung về tình hình nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp; những đóng góp của các đội ngũ này và những chính sách riêng đối với công chức, viên chức, lao động nữ; những thuận lợi và khó khăn trong cuộc sống mà công chức, viên chức, lao động nữ thường gặp phải; tổ chức Hội Phụ nữ cần làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lao động nữ; mối quan hệ giữa tổ chức Hội Phụ nữ với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ và Nữ công; quan điểm về chủ trương thành lập tổ chức Hội Phụ nữ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thế nào…
Nhiều ý kiến tâm huyết, cởi mở góp ý về chủ trương thành lập Hội Phụ nữ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng, đây là việc cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động nữ. Một số ý kiến lại đề xuất cần nghiên cứu kĩ hơn về việc có nên thành lập Hội hay không, bởi quan trọng nhất vẫn là cơ chế, chính sách, thiết chế phối hợp giữa cơ quan và chính quyền địa phương để bảo vệ quyền lợi của nữ lao động.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, mục tiêu của Hội Phụ nữ là để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, bởi phụ nữ chiếm số lượng lớn, có vai trò và đóng góp rất lớn cho xã hội. Hiện nay đã có những tổ chức bảo vệ quyền lợi của chị em phụ nữ.
Trong ngành GD, hoạt động của Công đoàn GD, của Ban Nữ công và Công đoàn cơ sở rất hiệu quả, tuy nhiên vai trò và tiếng nói thực sự chưa mạnh trong vấn đề bảo đảm quyền lợi lao động nữ. Thứ trưởng bày tỏ sự ủng hộ chủ trương thành lập Hội Phụ nữ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; nhưng cần nghiên cứu thêm để tránh hình thức, chồng chéo, hoạt động sao cho hiệu quả. Nếu thành lập thì mối quan hệ như thế nào cần cân nhắc, nghiên cứu thêm.
Kết thúc tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có văn bản theo các nội dung do Hội đã gợi ý, việc đánh giá hoạt động nữ công không đặt ra trong việc nghiên cứu, mà Hội LHPN muốn tiếp cận thực trạng công tác nữ như thế nào, tiếp cận theo hướng lấy phụ nữ là đối tượng đích cần quan tâm. Đây cũng là căn cứ quan trọng đưa ra những cơ chế linh hoạt cho các tổ chức đang có để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ nói chung và phụ nữ trong ngành GD&ĐT nói riêng.