Bóng đá từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của phần lớn người dân Việt Nam trong đó có người dân thôn Cây Táo - Tân Thành (Tân Hưng, Lạng Giang, Bắc Giang).
Trước đây thanh thiếu niên trong làng muốn chơi bóng phải đi thuê sân ngoài thị trấn Vôi cách xa 4 km. Có sân cỏ mềm cho con em mình tập luyện là mơ ước của những người yêu bóng đá trong thôn.
Năm 2018, những trận đấu đầy tự hào của đội tuyển U23 Việt Nam được truyền hình trực tiếp trên tivi là động lực để người dân trong thôn quyết tâm xây dựng một sân bóng đạt yêu cầu để thỏa niềm đam mê với môn thể thao vua.
Khi có ý định, việc đầu tiên người dân trong thôn làm là cử đại diện viết đơn xin ý kiến của các cấp chính quyền thôn, xã và được sự ủng hộ nhiệt tình từ chính quyền các cấp. Trong những ngày đầu tích cực vận động xây dựng sân bóng phải kể đến các ông: Lê Công Mạnh; Vũ Quang Phước, Lê Công Luân, Vũ Văn Tắc…
Vị trí xây dựng sân bóng liên quan đến ruộng đất của 9 hộ dân (gia đình các bà: Thung, Hiền, Lan, Trang, Lợi, Ngái; các ông: Tự, Tân, Cù). Đây là những thửa ruộng vẫn đang canh tác thường xuyên, một năm hai vụ, nhưng cả 9 hộ dân, khi được hỏi ý kiến, đều sẵn sàng dừng canh tác cho làng mượn đất làm sân bóng đá.
Việc xin phép chính quyền, vận động các hộ dân hiến đất đã xong, cả làng lại chung tay xây dựng sân bóng. Những ngày đầu khối lượng công việc rất nhiều: Đổ đất, san lấp, xây tường bao, làm sân khấu, trồng cỏ… Những công việc này đều được thực hiện một cách tự nguyện từ phía người dân trong thôn.
Nhiều ngày công, nhiều tiền bạc được huy động, đóng góp. Những bữa cơm tập thể được chị em phụ nữ trong làng đảm nhiệm.
Nói về việc làm tập thể này, ông Vũ Quang Phước, một trong những người khởi xướng ý định xây dựng sân bóng, chia sẻ “Tất cả đều mong muốn có một sân bóng cho con cháu luyện tập, vui chơi nên mọi người rất nhiệt tình như làm việc của nhà mình”.
Sân bóng hoàn thành có kích thước 45 x 90m, trồng cỏ tự nhiên. Trong quá trình làm, người dân mở rộng xây dựng thêm khoảng sân cỏ rộng rãi thoáng đãng cạnh đó. Khoảng sân này là không gian vui chơi dành cho trẻ em thích luyện tập môn thể thao khác như bóng chuyền, cầu lông, đá cầu… Xung quanh sân bóng kê nhiều ghế đá phục vụ cho khán giả khi đến xem những trận đấu giao hữu. Hàng cây xanh được trồng quanh sân, sau nhiều năm đã lớn không chỉ tạo bóng mát mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường. Những hàng cây xanh, ghế đá đều do các hộ gia đình trong thôn đóng góp, trao tặng.
Trước khi có sân bóng, thanh thiếu niên trong thôn không có địa điểm luyện tập thể dục, thể thao nên bị cuốn vào những trò chơi điện tử. Nhiều em do không hiểu biết đã sa vào cờ bạc, cá độ trên không gian mạng dẫn đến những hậu quả tiêu cực như nợ nần phải trốn tránh, gia đình bị đe dọa...
Từ khi sân bóng hoàn thành, phong trào thể dục thể thao trong thôn phát triển mạnh.
Cứ chiều tối, khi hết giờ làm, giờ học, thanh thiếu niên trong thôn lại kéo nhau ra sân tập luyện, chơi bóng. Người đi bộ, người đá cầu, người đánh cầu lông… Các cụ già nhẹ nhàng thong dong tập vài động tác dưỡng sinh rồi ngồi ghế đá chuyện trò, ngắm nhìn con cháu vui chơi. Những bà mẹ có con nhỏ thảnh thơi cho các bé chạy nhảy trên khu vực sân cỏ dành cho các bé. Nhờ có sân chơi bổ ích này, người dân trong làng vừa tập luyện được thể chất, cải thiện sức khỏe, vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Ngoài ra, đội bóng của thôn cũng nhanh chóng được thành lập do anh Lê Công Luân phụ trách. Các thành viên trong đội là thanh niên trong thôn, thường xuyên luyện tập chăm chỉ, tổ chức giao hữu với đội bóng các thôn khác vào mỗi chiều tối.
Vào dịp đầu Xuân, dịp Hè hay những dịp lễ kỉ niệm lớn của đất nước như mùng 2/9; 30/4… xã tổ chức thi giải đá bóng thanh thiếu niên giữa các thôn. Sân bóng của làng Tân Thành luôn là nơi lựa chọn đầu tiên để tổ chức giải. Những trận đấu giữa các thôn trong xã diễn ra náo nhiệt, thu hút đông đảo người dân đến xem. Tiếng hò reo, cổ vũ vang dậy.
Sân bóng của làng Tân Thành là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây. Để có được sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên như thế đều nhờ vào sự đoàn kết của nhân dân trong thôn. Nhìn vào kết quả ấy giúp chúng ta thấm nhuần bài học của Bác Hồ về sự đồng lòng của nhân dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Hy vọng sẽ có nhiều sân bóng xuất phát từ lòng dân như thế trên mọi miền Tổ quốc để các bạn trẻ có những sân chơi lành mạnh tích cực.