Tản văn: Bay lên, cánh diều tuổi thơ

GD&TĐ - Tuổi thơ, nơi chan chứa tình yêu thương, in dấu những kỉ niệm và luôn tràn ngập những tiếng cười, nơi mọi kí ức tràn về sẽ in dấu trong tim...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nếu bạn ở nông thôn mà nhất là vùng quê lúa như Thái Bình quê hương tôi thì bạn sẽ thấy điều đó đúng hơn bao giờ hết.

Nghỉ Hè, các bạn nhỏ ở nông thôn có rất nhiều trò chơi bổ ích và thú vị, trong đó trò chơi mà tôi thích nhất là thả diều.

Bạn thử tưởng tượng mình đang được cùng đám bạn thân ở nơi đồng ruộng tràn ngập hương lúa chín, ngả người trên lớp rơm màu vàng óng hay trên thảm cỏ xanh trên triền đê, tay cầm dây diều, đầu đội lá sen, mắt ngó theo cánh diều chao liệng... Đó là tuổi thơ tươi đẹp nhất của tôi, bạn bè tôi.

Trò chơi này không quá tốn kém cầu kì nhưng tôi yêu những cánh diều vì chúng khoác lên mình rất nhiều hình dáng và màu sắc rất riêng. Có đủ loại diều từ diều tre, diều giấy, đến cả “diều túi bóng” cho các em bé xíu ham vui.

Phổ biến với chúng tôi là những con diều nho nhỏ bằng tre tự làm. Tre thì không thiếu, nhưng cách vót, cách uốn và bọc lại rất khó đòi hỏi người làm phải có “hoa tay” thực sự. Chịu trách nhiệm làm một chiếc diều hoàn chỉnh thường là những đứa chúng tôi tôn lên bậc “sư phụ”, còn bọn tôi sẽ đi tìm các nguyên liệu như dây, đồ bọc, ống tre sáo và đặc biệt là tích cực cổ vũ “sư phụ” làm cho thật nhanh...

Làm diều đã vậy, để diều có thể giữ được thăng bằng, đón gió thật tốt bắt buộc phải biết cách buộc nèo thật khéo và chắc, cuối cùng là gắn thêm đuôi cho con diều. Nhiều đứa biết vẽ sẽ tô đủ các loại màu sắc ngộ nghĩnh, tạo các kiểu hình thù cho cái đuôi ấy, nên khi “đàn diều” được bay lên sẽ như một vũ hội hóa trang rực rỡ, vui nhộn trên không trung.

Khi hoàng hôn dần buông xuống nhuộm đỏ thẫm cả cánh đồng vàng xanh rực rỡ như một bức tranh, khi công việc nhà mẹ giao đã tạm xong hết, chúng tôi lại rộn ràng kéo nhau đi thả diều.

Mỗi đứa cầm trên tay con diều của mình và nhờ những đứa khác “đâm”(tung) hộ. Diều lên rồi mà đón được gió thì sẽ bay rất cao. Diều bay đón gió, gió nâng cánh diều, gió luồn qua những khe sáo cất lên tiếng kêu u u thật là vui tai. Đứa nào được bố đầu tư cho cái sáo nhỏ mua từ mấy bác thợ cao tay trong làng là ra oai lắm. Còn những em nhỏ hơn với diều giấy, diều túi bóng buộc dây mỏng thì sẽ cố gắng chạy thật nhanh cho diều bay phấp phới theo mỗi bước chân lũn cũn.

Cả triền đê râm ran tiếng nói cười, hò hét. Khi nào yên ắng tức là lúc cả bọn đã thấm mệt. Chúng tôi buộc dây diều vào thân cây rồi nằm ngửa cổ nhìn theo con diều đã bay cao tít tắp, mắt lim dim buồn ngủ.

Mấy đứa con gái đi theo cũng đang kiếm cỏ gà về chơi chọi gà hay lội xuống đầm ngắt mấy đài sen bóc hạt vừa ăn vừa rì rầm kể chuyện. Có một điều rất buồn cười là mặc dù trời đã nhá nhem, đứa nào cũng muốn về nhưng cứ cố tình đợi tận đến lúc có tiếng gọi hay là tiếng mắng gắt của bố mẹ, của chị từ trong làng vọng ra mới chịu “nhổ rễ”.

Thực ra thì cũng sợ lắm vì biết kiểu gì tối nay cũng bị mẹ phạt rửa bát hay quét nhà, thậm chí nặng nhất là không cho thả diều vài ba hôm nhưng đứa nào cũng cảm thấy rất vui. Và ngày hôm sau mọi chuyện sẽ lặp lại y chang như vậy...

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Ngả lưng cùng với đám bạn trên những “tấm thảm xanh” êm ái, tôi đăm đắm theo cánh diều của mình hòa cùng với những tiếng sáo vi vu của con diều khác, trong đầu bỗng nhiên xuất hiện một câu hỏi: Liệu sau này lớn lên, mình có thể lại được là một phần của khung cảnh này không? Liệu lũ chúng tôi có còn bên nhau để thấy cái thú vui được lên triền đê mà hò hét? Hay mỗi đứa một cái điện thoại cầm tay, cả ngày chẳng ngước mắt lên ngắm nhìn bầu trời bao la?

Tôi chợt nhớ ngày bé, có lần đem cái gọi là bay lên cao để hỏi mẹ. Mẹ mỉm cười nhìn tôi: “Con thấy diều khi bay nó như thế nào?”. Đầu tiên, tôi không hiểu mẹ đang định nói gì nhưng vẫn cứ trả lời: “Trông nó rất thú vị và đẹp ạ!”.

Mẹ cười trìu mến nhìn tôi: “Đúng thế, những cánh diều đó cũng giống như con người vậy. Nhưng để có được vẻ đẹp đó là do diều được tạo ra từ tay một người khéo léo rồi bay cao lên trên không trung. Còn con người muốn thành công thì phải tự mình phấn đấu, chăm chỉ và siêng năng con ạ!”.

Hồi ấy còn bé quá tôi cũng chẳng mấy quan tâm đến những câu nói sâu xa của mẹ, nhưng dần dần rồi tôi mới nhận ra.

Bài học mẹ dạy từ những cánh diều như từng cơn gió ngọt lành của cánh đồng lúa xanh ngát hương sen thơm mát chảy qua tâm thức nuôi dưỡng tôi từng ngày. Tôi cứ ngồi đó ngắm mãi những con diều bay lượn trên không trung mà chợt như thấy tâm hồn lâng lâng theo bao điều tươi đẹp ở phía tương lai đang vẫy gọi.

“... Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước trên sông...

... Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người...”

Tiếng hát du dương ngân nga từ chiếc loa phát thanh xa xa đánh thức tôi và lũ bạn trở lại với thực tại, ngẩn người lắng nghe. Trời đã nhá nhem tối từ lúc nào mà chúng tôi không hề hay biết, chắc lại sắp được nghe tiếng gọi về của mẹ.

Lần này, chẳng ai bảo ai đứa nào cũng nhanh nhẹn kéo dây thu diều. Chúng tôi hớn hở trở về cùng tiếng ríu rít hẹn hò “chiều mai tiếp nhé” theo chân tới tận nhà trong tiếng cười giòn tan bất tận. Tôi biết những ngày thơ ấu sẽ luôn bên tôi bình yên và êm đềm biết mấy, đây cũng là thời điểm vô cùng quý giá không nên để nó trôi qua một cách lãng phí.

Có lẽ trong giấc mơ đêm nay, cánh diều rực rỡ sắc màu của tôi vẫn đang bay cùng tiếng sáo vi vu trên bầu trời bao la, bay xa, cao mãi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ