Đất và người Bá Dương Nội
Đây được biết đến là ngôi làng cổ nằm sát con nước sông Hồng chỉ cách trung tâm TP Hà Nội chưa đầy 30km. Xưa kia, người ta còn gọi mảnh đất này với cái tên gần gũi, dung dị hơn là Kẻ Bá.
Kẻ Bá hiện lên đầy thân thuộc bởi con đường làng uốn khúc quanh co, dẫn vào những nếp nhà ngói ba gian đặc trưng của miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Dưới tàng cây cổ thụ vẫn còn đó ngôi đền cổ kính rêu phong gợi nhắc về lịch sử của đất và người nơi đây.
Nhưng để thương, để nhớ nhiều nhất trong lòng du khách phải kể đến thanh âm trầm bổng của tiếng sáo và những cánh diều no gió, lơ lửng giữa tầng không hòa vào sắc xanh của bầu trời. Đây được xem là thứ "đặc sản" khiến Bá Dương Nội còn được gọi với cái tên nôm là làng Diều.
Người Bá Dương Nội cho rằng, thú chơi diều đã khởi nguồn ở đây dễ đến cả nghìn năm. Nó gắn liền với truyền thuyết về Tướng quân Nguyễn Cả từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Sau khi giúp vua Đinh dẹp loạn 12 xứ quân, vị tướng ấy về làng dạy dân trồng trọt, rèn luyện võ nghệ… Những lúc rảnh rỗi, ông còn chơi thả diều và xem đó là thú vui bên cảnh điền viên thôn dã.
Thế rồi một ngày kia, bỗng nhiên trời đất nổi cơn phong ba, mưa gió mịt mùng, hòn đá phẳng nơi ông đứng từ từ bay lên không trung đưa vị tướng có công với nước về trời. Dân làng Bá Dương Nội ngóng lên trời cao thấy hòn đá nhỏ dần như một cánh diều lơ lửng rồi biến mất giữa tầng không, xung quanh tỏa ra muôn vàn ánh hào quang rực rỡ.
Từ đó, trong tâm khảm của người dân Bá Dương Nội luôn tin những cánh diều bay lơ lửng giữa trời kia chính là hình ảnh thiêng liêng của vị thần Nguyễn Cả. Để rồi cứ đến ngày rằm tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân Bá Dương Nội lại nô nức mở hội thi thả diều để tưởng nhớ đến vị tướng quân năm nào. Đây được xem là lễ hội diều lâu đời nhất miền Bắc vẫn còn được gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày hôm nay.
Ông Phan Văn Hà, Trưởng ban tổ chức lễ hội thả diều làng Bá Dương Nội thủ thỉ: "Ngoài Kẻ Bá, lễ hội còn thu hút hàng chục đội thi từ các tỉnh, thành khác như Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ... Những cánh diều thể hiện sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân đi trước, khao khát được chinh phục tầng không và nguyện ước mưa thuận gió hòa".
Nâng niu cánh diều trên tay, nghệ nhân dân gian Nguyễn Hữu Kiêm, chủ nhiệm CLB diều Bá Dương Nội hồi tưởng: "Ngày còn nằm nôi người Bá Dương Nội đã bắt gặp tiếng sáo, cánh diều qua lời hát ru ầu ơ của bà, của mẹ.
Khi những đứa trẻ ấy lớn lên một chút, thì chính những cánh diều trong ca dao, tục ngữ khi xưa đã bước ra ngoài đời thật, để theo chân chúng ra đồng. Trẻ con làng Bá biết chơi diều từ ngày tóc còn để chỏm là vậy".
Nếu có dịp ngồi lại với người làng Bá, nhìn vào ánh mắt và chăm chú lắng nghe từng lời thì ta cảm nhận được, lẫn trong tiếng nói của nam phụ lão ấu, có cả tiếng gió vi vu và tiếng sáo diều văng vẳng... Thế nên mới nói thú chơi diều ở đây đã ăn sâu vào trong máu thịt của người dân từ rất lâu rồi!
Cuộn dây diều làm từ thân tre được lưu giữ tại Bá Dương Nội.
Thú chơi kỳ công, tỉ mỉ
Không nhiều màu sặc sỡ hay cầu kỳ như cánh diều ở Hội An, ở Huế… Diều sáo của Kẻ Bá giản dị và chất phác hệt như những người làm ra nó vậy! Và cũng kỳ lạ là dù nức tiếng gần xa với nghề làm diều, thế nhưng đa số người dân của mảnh đất này chưa bao giờ xem diều là món hàng để đem bán.
Nói như vậy vì, muốn làm ra được một con diều sáo ưng ý, đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và cực kỳ tinh tế từ đôi bàn tay của người thợ. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm cho rằng: "Ai yêu thích văn hóa dân gian mà lại được xem người Bá Dương Nội làm diều thì dễ nghiện, có khi lưu luyến chẳng muốn về".
Phần "xương" diều được làm bằng cây tre gai mọc ở đồng bằng. Khi chọn phải thật kinh nghiệm để tìm cho ra cây đặc thớ. Đó là những cây vừa có đủ độ cứng nhưng cũng bảo đảm được độ đàn hồi. Sau thời gian hong khô 3 tháng, thân tre dần lấp lánh ánh vàng. Cật tre rút hết nước. Người làm diều mang tre ra chẻ thành đoạn với kích thước con diều mà họ định làm.
Khi vót nan phải khéo léo để nan tròn đều dần thu nhỏ về phía hai đầu. Cánh diều có hình vầng trăng khuyết bởi lẽ người Việt là cư dân nông nghiệp, mọi sinh hoạt đều theo sự đầy vơi của con trăng. Tỉ mỉ cả ngày mới cho ra được bộ khung cứng, dẻo, bền và không nặng.
Xưa kia người ta phải làm diều bằng giấy dó và lặn lội sang tận Mỹ Đức để tìm bằng được cây cậy. Lấy quả loại cây này đem giã nhỏ, hòa với nước, chắt bỏ bã rồi phết lên giấy bản để dán với xương diều.
Loại giấy dó khi kết hợp với nhựa cây cậy sẽ dần sang màu nâu và không thấm nước. Điều này giúp áo diều cứng cáp, gặp gió dễ cất cao hơn. Ngày nay phần áo diều này đã được thay thế bằng những thước vải nhiều màu sắc.
Để làm được một bộ dây diều đúng chuẩn như xưa là cả một sự kỳ công ghê gớm. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm kể: "Người ta tìm chặt những cây tre non, trên thân còn lốm đốm phấn trắng. Khi đem về nhà cật tre được lột ra, xé thành nhiều sợi nhỏ như lá mạ. Mỗi đoạn dài khoảng 2m. Số dây tre này được ninh chừng 6 - 8 tiếng dưới lửa nhỏ cho thật dai, thì vớt ra nối lại với nhau.
Ngày nay có dây dù thay thế nên ít người chơi diều sử dụng loại dây này, cả làng Bá Dương Nội cũng chỉ còn vài cuộn".
Sáo diều được chế tác từ những ống tre già, có khả năng chống chịu được với nắng mưa. Hai mặt sáo thường được bít bằng gỗ vàng tâm hoặc có thể thay thế bằng gỗ mít để khi đổ tiếng sáo nghe thật cao và đúng cường điệu. Một bộ sáo thường có từ 3, 5, 7 chiếc sáo. Kích cỡ các sáo trong 1 bộ phải tuân thủ theo nguyên tắc nhỏ dần. Sáo lớn nhất thường được gọi là sáo cái, sáo thứ hai được gọi là sáo còi…
Biết làm sáo diều là một chuyện, còn tiếng sáo có réo rắt, du dương hay không thì còn phải phụ thuộc vào kinh nghiệm của người làm. Chỉ những nghệ nhân nức tiếng trong làng mới sở hữu được nhiều bộ sáo có âm thanh độc đáo.
Tạm biệt nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm để ra về, mà trong lòng còn lưu luyến mãi với hình ảnh cánh diều làng Bá Dương Nội. Ngôi làng có những con người hồn hậu, với cách sống mộc mạc, bình dị đang ngày đêm lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.