Diều "không chiến"
Xã Nam Tiến, huyện Phổ Yên vốn là một làng cổ có truyền thống chọi diều lâu đời. Nhưng bẵng đi một thời gian rất dài, truyền thống ấy cứ mờ nhạt dần rồi mất hẳn.
Nhiều người cao tuổi bảo rằng, chọi diều là thú chơi xa xỉ nên mai một cũng có cái lý của nó. Ai đời ruộng nương, đồi chè bạt ngàn ra mà chẳng chịu làm cứ để cỏ dại mọc xanh um rồi đeo đuổi cái thú vui chẳng đem lại lợi ích gì.
Nhưng lớp trẻ bây giờ nghĩ khác. Chơi là chơi, làm là làm, không phải chơi mà quên làm. Thế nên từ năm 2010, phong trào chọi diều ở Nam Tiến khởi sắc trở lại. Những con diều dài đến vài mét và bay cao đến hàng nghìn mét vi vu suốt đêm ngày. Chơi diều đã là một thú vui từ xa xưa, nhưng ở Nam Tiến song hành cùng thú vui ấy còn bí quyết "chọi diều".
Chọi diều còn được gọi mỹ miều là "không chiến". Những cánh diều phải áp sát nhau, thực hiện những động tác bổ nhào như máy bay phản lực. Khi diều hội khác mon men khiêu khích, con diều lập tức như đại bàng đói mồi bổ nhào vào chiếc diều kia khiến nó lệch đi, gặp gió xoay tít rồi đứt dây.
Tuy nhiên, thực hiện thú chơi "không chiến" rất phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn diều. Những người chọi diều, bản thân phải là những người chơi diều có kinh nghiệm, liều lĩnh và có điều kiện kinh tế.
Thi chọi, diều nào bị rớt xuống là thua nên trong trò này, người chơi luôn cố gắng để điều khiển con diều của mình lao lên, vọt xuống, cuốn lấy dây diều và cắt đứt dây diều của đối phương. Trong quá trình đó, họ cũng giật, thu dây để kéo diều đối thủ rơi xuống đất. Những con diều cứ thế vờn nhau, rượt đuổi trên bầu trời.
Chính những thú vị của diều "không chiến" nên đa số những người Nam Tiến đều học bí quyết "chọi diều". Người thắng cuộc trong cuộc chọi diều sẽ có danh tiếng, có địa vị trong giới chơi diều tại địa phương cũng như các nơi khác. Vì thế, không chỉ Nam Tiến mà nhiều tỉnh thành khác trong cả nước cũng xuất hiện những câu lạc bộ "chọi diều" để khẳng định sự khéo léo và đẳng cấp của người chơi.
Nghề cổ của làng
Cho đến nay, dù chưa có thống kê chính xác nào ở Nam Tiến về số lượng người chơi diều, nhưng theo như ông Nguyễn Quang Toàn (nghệ nhân chơi diều tại Nam Tiến) thì hầu như nhà nào cũng có người tham gia. Có những gia đình cả bố mẹ lẫn con cái đều rất đam mê thú chơi này.
"Thứ nhất là chơi diều ở Nam Tiến đã có truyền thống. Chúng tôi không biết chính xác là trò đua diều có ở làng từ bao giờ nhưng từ nhỏ đã thấy cha ông mình chơi rồi. Vì thế, mà ở Nam Tiến, làm diều từng là thứ nghề chính của người nông dân. Còn ruộng đồi, nương chè chỉ là nghề phụ. Một thời, trong Nam ngoài Bắc người ta về Nam Tiến đặt những chiếc diều to bằng cả gian nhà", ông Toàn cho biết.
Theo các cao niên ở Nam Tiến, địa phương trước đây có giống tre mọc ngược. Tức là ngọn cứ đua cao rồi trúc xuống đất. Giống tre ấy dẻo, dai lại rất thẳng và nhẹ. Cứ chặt về ngâm nước, phơi khô rồi vót thành khung diều. Diều được làm từ loài tre này sẽ bay cao, dây diều thẳng đứng, gió to mà diều không nghiêng lệch.
Ngày nay, giống tre lạ ấy không còn, nhưng Nam Tiến vẫn quay lại nghề cũ. Nhưng họ làm diều chủ yếu để chơi, ít khi bán. Những buổi chiều hè, trên triền đê làng, hàng trăm người đem diều ra thi. Ban đêm họ cọc diều vào gốc cây, tiếng sáo đêm vi vút len lỏi trong tiếng gió vang xa. Chỉ cần nghe, người ngoài cũng biết đó là diều Nam Tiến.
Làm sáo không phải là một thú chơi giản đơn. Ống sáo diều giản dị kia muốn cho được tiếng nỉ non ưng ý và theo được con diều bay cao phải được làm bằng thứ tre chết dóc, tức loại tre chết khô còn nằm trong bụi nên rất khó kiếm.
"Nói thì không ai tin, không phải mình không yêu vợ yêu con, nhưng cái thú vui chơi diều thì đã là dân "không chiến" thì ai cũng yêu diều. Yêu diều hơn yêu vợ là không ngoa", anh Nguyễn Văn Dũng, đội diều xóm Trại chia sẻ.
Nhà anh Dũng rộng vỏn vẹn 100m2 thì phân nửa diện tích anh dành cho diều. Diều to, diều nhỏ, diều mẫu, diều chơi… la liệt treo trên tường và trần nhà. Riêng dàn sáo mà anh tự làm ra lên tới hơn 100 chiếc to nhỏ khác nhau và được xếp đầy trong 3 cái tủ lớn, đặt trong phòng khách và phòng ngủ.
Vợ anh nhiều lần cằn nhằn vì cái thú yêu diều mà quên vợ nên có vài lần giấu anh bán trộm diều và sáo cho người khác. Biết chuyện, anh dỗi không ăn cơm hai ngày liền. Vợ anh thấy thế, phải hộc tốc sang làng bên chuộc diều về cho chồng.
Nhiều chị em phụ nữ ở Nam Tiến ca thán việc đêm hôm chồng con bỏ nhà bỏ cửa ra đi không về. Nhưng các bà vợ ở đây không giận vì họ biết thừa, chồng đi canh diều qua đêm ở ngoài triền đê. Đã là thú vui của cả làng thì khó có bà vợ nào trách móc được chồng.
Giàu nhờ sản xuất diều sáo
Nam Tiến cũng nổi tiếng với hàng chục người trở thành đại gia nhờ diều. Trong số đó hầu hết là những thợ làm diều giỏi. Có con diều giá lên tới vài chục triệu đồng, thậm chí có bộ sáo đặc biệt bằng giá cả một cái ô tô ở phân khúc thấp.
Không tin, chúng tôi đem chuyện hỏi anh Nguyễn Văn Dũng. Anh Dũng cười: "Làm nghề gì ăn nghề ấy mà. Diều xịn có thể bay cao 2 nghìn mét mà vẫn thẳng dây thì vài chục triệu một chiếc là bình thường. Còn sáo thì thiếu gì loại đắt. Có người chơi ngông còn đặt sáo bằng vàng ròng dát mỏng cơ".
Bản thân anh Dũng cũng là một thợ làm diều có tiếng. Mỗi năm anh có thể làm được hàng chục chiếc diều. Trong số đó, hầu hết là diều lớn cỡ từ 3 – 5m và trọn bộ cả dàn sáo 9 chiếc có giá khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, so với một đại gia làm diều khác thì số tiền anh Dũng thu được thật quá nhỏ bé.
Ông Trần Văn Lương, truyền nhân đời thứ 6 của dòng họ Trần ở đất Nam Tiến vẫn còn theo nghề cha ông. Ngôi biệt thự khang trang 3 tầng ở giữa làng là kết quả từ thứ nghề "lên trời" này. Mỗi năm ông Lương và tốp thợ có thể hoàn thành được hàng trăm con chiều lớn.
Trong số những chiếc diều đắt tiền ấy, số nhiều được người nước ngoài đặt hàng. Số còn lại bán cho dân chơi trong miền Nam hoặc cho các làng có truyền thống chọi diều. Riêng dàn sáo lớn ông Lương làm bằng thủ công không mạ vàng chạm bạc đã có giá vài chục triệu đồng.
Có lẽ vì thế, mà hiện nay ở Nam Tiến, không chỉ duy trì thú chơi chọi diều cổ xưa mà nghề làm diều cũng trở thành thứ nghề chính. Người thì chuyên đi tìm tre, người lại chuyên uốn khung diều, người khác lại may vá vải bạt. Thợ cao cấp hơn thì làm sáo, đi tìm gỗ gạo làm mắt sáo. Tuy nghề cổ được khôi phục, nhưng nhiều người cũng rất e ngại vì những hệ lụy do thú vui thả diều gây ra.
Mới đây, vào tháng 4/2020 Bệnh viện Đa khoa Yên Bình (TX Phổ Yên) đã cấp cứu kịp thời cho một thanh niên 21 tuổi là công nhân Công ty Samsung Electronic VN Thái Nguyên. Nạn nhân được đưa vào viện trong tình trạng bị sốc nặng, mất nhiều máu, quanh cổ có vết cứa sâu. Qua tìm hiểu được biết, nạn nhân đi làm về qua xóm Chùa xã Nam Tiến đã bị vướng dây diều, tạo ra vết cắt tổn thương nặng ở cổ.
Cách đây không lâu, 5 huyện của tỉnh Thái Nguyên mất điện đồng loạt. Nguyên nhân do chiếc diều dài 2m vướng vào vị trí cột 550DZ thuộc đường dây 220 KV Hà Giang - Thái Nguyên. Qua thống kê, sự cố về diều này khiến 238.880 khách hàng bị mất điện với tổng thời gian 2 lần chuyển nguồn 145 phút.