Đặc sắc nghệ thuật diều Huế

GD&TĐ - Diều Huế ban đầu là trò chơi của trẻ nhỏ nơi thôn dã, sau đó được đưa vào hoàng cung, trở thành thú chơi của các bậc vua chúa và được nâng lên tầm nghệ thuật.

Các thành viên CLB Diều Huế tham gia trình diễn diều.
Các thành viên CLB Diều Huế tham gia trình diễn diều.

Sự đặc sắc của nghệ thuật diều Huế được ví như nghệ thuật “múa rối trên không”.

Từ thôn dã tới hoàng cung

Chưa ai khẳng định diều Huế có từ bao giờ nhưng theo các nghệ nhân cao tuổi thì thú chơi này ắt cũng phải có vài trăm năm trước khi được đưa vào hoàng cung.

Diều Huế ban đầu chỉ là những cánh diều đơn giản, ít màu sắc…, là trò chơi của trẻ nhỏ nơi thôn dã. Đến thời Bảo Đại (1926 - 1945), vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, diều được đưa vào cung để thỏa mãn nhu cầu giải trí của vua.

Diều của vua phải khác với diều của thường dân và vì thế với đôi bàn tay khéo léo, óc tưởng tượng phong phú, các nghệ nhân đất Huế đã làm ra những cánh diều đầy màu sắc nghệ thuật. Nếu như dân gian chỉ có diều mặt trăng, mặt trời, diều cánh cung thì vua có diều long, diều phượng, diều bướm, diều ưng…

Thời phong kiến, ở Huế rất chuộng diều bướm (điệp diều) vì có màu sắc sặc sỡ, khi thả diều bay lượn nổi bật lên trên nền trời trong xanh. Theo ý vua, hàng năm Phủ doãn Thừa Thiên thường xuyên tổ chức thi thả diều.

Qua những hội thi ấy, người chơi diều Huế thường nhắc đến những tên tuổi như: Nguyễn Văn Bân, Đoàn Chước, Trần Văn Đông, Ưng Sừng, Ông Hạng... Họ là những người chơi và làm diều rất tài hoa. Diều của họ luôn được cải tiến về mẫu mã, chất liệu và dần dần biến thú chơi diều trở thành một nghệ thuật.

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), chiến tranh đã khiến những cánh diều vốn góp phần làm nên nét riêng, vẻ đẹp mộng mơ của Huế vắng hẳn trước Ngọ Môn và dọc đôi bờ sông Hương.

Những tưởng thú chơi tao nhã, đậm nét văn hóa truyền thống ấy đã mai một thì đến năm 1973, xuất hiện trở lại phong trào chơi diều mang tên Cầu Phong. Từ phong trào đó, một số người tâm huyết đã đứng ra lập hội chơi diều Thừa Phong.

Hội vỏn vẹn có 10 thành viên tiếp nối nghệ thuật làm diều và thả diều nhưng chỉ tồn tại được hai năm. Mười năm sau (1983), được sự động viên của các cấp chính quyền, các nghệ nhân có tâm huyết đã tập hợp nhau lại thành lập và ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Diều Huế, thuộc Trung tâm Văn hóa TP Huế do nghệ nhân Nguyễn Văn Bê làm chủ nhiệm.

Nghệ thuật của sự tài hoa

Đặc sắc nghệ thuật diều Huế ảnh 1

Khác với diều sáo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, diều Huế vừa yêu cầu phải có kỹ thuật (bí quyết để diều bay cao), vừa phải có sự tài hoa, khéo léo trong trang trí (nét riêng để tạo nên những chiếc diều độc đáo).

Phó Chủ nhiệm CLB Diều Huế, nghệ nhân Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, làm diều Huế phải qua các công đoạn chọn và vót tre theo kích cỡ. Sau đó ghép các thanh tre lại với nhau để tạo khung theo hình các con vật mà diều mô phỏng như bướm, công, rồng, phượng... Khi khung tre thành hình thì đến công đoạn căng vải để bôi hồ và sơn, vẽ lên vải. Cuối cùng là buộc dây và thả diều lên trời.

Mỗi con diều được làm ra là một tác phẩm nghệ thuật, là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố như kinh nghiệm, kiến trúc, khí động học, hội họa… và qua rất nhiều lần thử nghiệm mới trình diễn trước công chúng.  

“Làm diều khó nhất là phần khung nên phải tính toán thật chính xác chiều ngang của cánh, của đuôi cho từng loại diều. Tiếp đến là buộc dây lèo, lèo được coi là hồn của diều. Dây lèo sẽ nối với dây thả diều, tạo lực đẩy, sự cân bằng cũng như quyết định độ cao hay thấp của diều khi bay”, nghệ nhân Nguyễn Đăng Hoàng chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Cư cho biết thêm, về vật liệu, tre làm xương diều phải lựa những cây khoảng hai năm tuổi đem về chẻ ra phơi khô. Nếu già thì kém đàn hồi, mà non quá thì dễ gãy.

Để có một con diều Huế hoàn hảo thì màu sắc phải đúng với con vật mà mình mô phỏng. Nhưng quan trọng nhất là diều phải bay đẹp. Sợi dây quyết định diều có bay được hay không. “Một số nước như Nhật Bản người ta có cả một chương trình đào tạo, hướng dẫn làm diều và có hầm gió để thử diều. Còn như mình thì chỉ làm theo kinh nghiệm thôi”, ông Cư chia sẻ.

Qua thời gian, trí sáng tạo của các nghệ nhân diều Huế đã khiến những con diều có sự thay đổi rõ rệt mang tính đột phá từ kỹ thuật đến chất liệu, nét vẽ trang trí. Những khung diều hoàn toàn bằng tre rất nhẹ đã thay thế cho những khung nhôm, thép của cách làm diều truyền thống. Thậm chí, có nghệ nhân còn làm được cả diều máy bay vừa bay, vừa nhào lộn và thả bom…

Nghệ thuật thả diều của các nghệ nhân Huế cũng đạt trình độ cao siêu như nghệ thuật làm diều. Với những chiếc diều truyền thống họ có thể mê hoặc người xem bằng các màn biểu diễn hoa mỹ trong các tích truyện cổ như: phượng hoàng đẻ con, đại bàng đánh cắp công chúa, chèo bẻo đánh quạ, Tấm Cám, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thạch Sanh chém trăn tinh...

Sự đặc sắc của nghệ thuật diều Huế được ví như nghệ thuật múa rối trên không. Chính bởi sự độc đáo, hấp dẫn ấy mà có lẽ trong cả nước, không đâu, người dân lại mê thả diều như ở Huế.

Không riêng gì trẻ nhỏ, thanh niên mà cả người già, bất kể trai gái..., đều mê diều. Đến mùa hè, khoảng ba giờ chiều, cứ ra Đại nội hay thả bộ dọc sông Hương sẽ thấy người đi xem thả diều đông như trảy hội.

Đưa diều Huế bay xa

Đặc sắc nghệ thuật diều Huế ảnh 2

CLB Diều Huế được thành lập ban đầu với khoảng 20 thành viên. Đến nay, qua 30 năm phát triển số thành viên CLB đã tăng lên gấp nhiều lần, với nhiều nghệ nhân tâm huyết, tài năng như: Nguyễn Văn Bê, Nguyễn Văn Ry, Nguyễn Đăng Hoàng, Nguyễn Văn Cư… đã làm rạng danh cho diều Huế qua các cuộc liên hoan diều trong nước và quốc tế.

Kể từ Festival Huế đầu tiên vào năm 2000, đến nay qua các kỳ Festival năm nào diều Huế cũng tham gia và được chọn để trưng bày, biểu diễn, làm đạo cụ cho các chương trình biểu diễn thời trang…

Hoành tráng nhất là Festival 2010, 1.000 con diều được sắp đặt chao lượn trên cầu Trường Tiền làm nên ấn tượng đặc biệt đối với du khách gần xa. Diều Huế cũng tham gia trình diễn trong sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…

Có lẽ, độc đáo nhất trong nghệ thuật làm diều Huế là Long diều và Phượng diều. Đây là hai tác phẩm được coi là kỷ lục làm diều của Việt Nam và thế giới. Long diều có chiều dài gần 150m, Phượng diều 240m, nặng trên 7 kg, được các nghệ nhân diều Huế hoàn thành trong gần 2 tháng.

Long diều và Phượng diều cũng đã có mặt trong các liên hoan diều thế giới ở Pháp, Canada trong sự ngạc nhiên và khâm phục của bạn bè quốc tế. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng, khi đi thi quốc tế, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới có diều rồng. Nhưng diều rồng của Huế được kết cấu chặt chẽ hơn nên có thể thả khi gió mạnh.

Nghệ nhân diều Nguyễn Văn Cư.
Nghệ nhân diều Nguyễn Văn Cư.

Từ năm 1992 đến nay, đều đặn hai năm một lần, CLB Diều Huế lại đại diện cho diều Việt Nam, lên đường tham dự liên hoan diều quốc tế tổ chức tại Pháp - thủ phủ của nghệ thuật thả diều thế giới.

Những cánh diều độc đáo, đầy màu sắc cùng kỹ thuật thả diều điêu luyện đã để lại ấn tượng khó quên cho người xem ở khắp nơi mà diều Huế đến.

Thương hiệu diều Huế bay xa, một số nghệ nhân đã được mời sang Pháp dạy cho học sinh cách làm diều Huế. Có những chiếc diều được chọn trưng bày tại The children’s Museum of Houston, bảo tàng của trẻ em ở Houston - Mỹ. Diều Huế đã chính thức được kết nạp là thành viên Hiệp hội Diều quốc tế và Diều ASEAN.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng.

Ngày nay, để gìn giữ nghệ thuật thả diều truyền thống, các nghệ nhân Huế đã thường xuyên mở các lớp dạy làm diều, thả diều cho thanh, thiếu niên.

Trong các hội thi thả diều ở các địa phương của Huế, màn biểu diễn thả diều đầu tiên bao giờ cũng do các em thiếu nhi thực hiện, sau đó mới đến phần thi biểu diễn của nghệ nhân.

Ðây chính là sự quan tâm của các nghệ nhân diều Huế trong bảo tồn môn nghệ thuật đặc sắc của vùng đất cố đô, góp phần để nghệ thuật chế tác và thả diều truyền thống ở Huế phát triển lâu bền. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ