Tân Tổng thống Argentina Javier Miley đã gửi thư cho lãnh đạo Nga và Trung Quốc, trong đó ông chính thức từ chối lời mời trở thành thành viên của nhóm các nước BRICS - Canal C cho hay.
Theo truyền hình trên, trong thư, nhà lãnh đạo Argentina viết ông không cho rằng việc nước này tham gia vào BRICS là phù hợp vào thời điểm hiện tại.
Cần lưu ý rằng bức thư tương tự cũng đã được gửi tới Tổng thống Brazil Lula da Silva, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa.
Các bức thư nói rằng chính sách đối ngoại trong chính quyền mới của Argentina “khác biệt về nhiều mặt so với chính sách của chính phủ trước đó” và “một số quyết định của chính quyền trước đó sẽ được xem xét lại”.
Ngày 28/12, Đại sứ Nga tại quốc gia Nam Mỹ Dmitry Feoktistov cho biết có lý do để tin tưởng mối quan hệ hữu nghị giữa Nga và Argentina sẽ tiếp tục, bất chấp một số tuyên bố từ chính phủ mới của Argentina do ông Miley đứng đầu.
Ngày 12/12, khi bình luận về quyết định của Argentina về hỗ trợ Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý Nga dự định tập trung vào lợi ích chung với nước này trong cuộc đối thoại với Argentina.
Ngày 20/11, nói với hãng tin Izvestia, nhà khoa học chính trị Nga Dmitry Solonnikov lưu ý, đối với Moscow, việc ông Miley bầu làm tổng thống ngày 19/11 có nghĩa là Argentina giờ đây sẽ nằm trong phe các quốc gia không thân thiện Nga.
Điều này có nghĩa là họ sẽ hỗ trợ Ukraine, có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga, cũng như từ chối tham gia BRICS, theo ông Solonnikov.
Ngược lại, Ngoại trưởng Argentina Diana Mondino đảm bảo rằng nước này sẽ không cắt đứt quan hệ với Nga, Trung Quốc và Brazil. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh thực tế là không thể có sự rạn nứt hay thay đổi trong các mối quan hệ.
Cuối tháng 9, tại hội nghị quốc hội Nga-Mỹ Latinh, ông Putin nhấn mạnh Moscow sẵn sàng xây dựng hợp tác với khu vực này và muốn hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội hội nhập của khu vực.
BRICS là một hiệp hội liên quốc gia được thành lập vào tháng 6/2006 trong Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg với sự tham gia của Bộ trưởng Kinh tế Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Sau đó Cộng hòa Nam Phi cũng tham dự.