Tận tình giúp trò hòa nhập ở trường bán trú vùng cao

GD&TĐ - Từ cách đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân đến giờ giấc ăn, ngủ, học tập - thầy cô vùng cao tận tình hướng dẫn học trò từ đầu năm học...

Hai anh em Lý Ngọc Khánh, trường phổ thông DTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Li Pho, tự học tại khu bán trú.
Hai anh em Lý Ngọc Khánh, trường phổ thông DTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Li Pho, tự học tại khu bán trú.

Điều đó, sẽ giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng học tập, sinh hoạt ở môi trường bán trú.

Dạy từ điều nhỏ nhất

Sau ngày khai giảng, sĩ số học sinh cơ bản ổn định, các thầy cô Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) rốt ráo với việc rèn luyện kỹ năng cho học sinh bán trú. “Tiết học” rửa khay đựng thức ăn sạch sẽ được thầy cô dạy giữa sân trường với sự theo dõi của gần 350 học sinh. Giáo viên thị phạm rồi đến lượt học trò thực hành. Không chỉ vậy, ngay khi đón học trò về tựu trường, thầy cô đã vào vai thợ cắt tóc, gội đầu… giúp các em có mái tóc gọn gàng, sạch sẽ.

“Đó là những công việc thường xuyên của giáo viên vùng cao dịp đầu năm học. Mỗi người một tay, thầy cô giúp học sinh từ việc vệ sinh cá nhân chung đến nền nếp sinh hoạt…” - thầy Nguyễn Thành Long, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Pa Ủ chia sẻ.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng, huyện Mường Tè có 286 học sinh. Trong đó, 164 em ăn, ở bán trú tại trường.

Thầy Hiệu trưởng Lỳ Xừ Po cho biết: “Đối với học sinh lớp 1 mới về bán trú, mọi sinh hoạt còn khó khăn. Xác định điều đó, những ngày trò tới trường, ngày chúng tôi phân công 1 thầy, 1 cô giúp các em làm quen từ việc ăn, ngủ, tắm giặt… Đồng thời, nhờ học sinh lớp lớn, cùng bản giúp từ những việc nhỏ nhất”.

Dù không phải cơ sở giáo dục bán trú nhưng thầy, cô Trường THCS Hàm Rồng, thị xã Sa Pa (Lào Cai) vẫn chăm sóc học sinh ăn, ở tại trường. Trường có 624 học sinh thì trong đó 113 em bán trú.

Thầy Đoàn Tuấn Long, Phó Hiệu trưởng, cho biết: “Năm học này trường đón 181 học sinh lớp 6, trong đó 39 em ở bán trú. Chúng tôi sắp xếp các em trải đều cho 5 phòng ở nhằm mục đích học tập nền nếp, nội quy các anh chị lớp trên nhanh hơn. Trưởng mỗi phòng ở cũng giao việc phù hợp với sức khỏe; tạo điều kiện tốt nhất về giường ngủ, chăn màn và cho các em ngủ dưới giường tầng 1 nhằm đảm bảo an toàn”.

Thầy Long chia sẻ, tuần học đầu tiên, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Loan cùng ca trực bán trú đã có những buổi tập huấn, rèn luyện cho các em về công tác vệ sinh trường lớp, cá nhân, cách gấp chăn màn đúng kĩ thuật, nhanh và gọn đẹp. Trong buổi tối tự học, ca trực cũng giao cho học sinh lớp trên ngồi cùng bàn nhằm giúp đỡ và chỉ bảo các em nhỏ hơn học bài. Học sinh lớp 6 được chia đều ngồi ăn cùng anh chị lớp trên để quan sát, học cách ăn uống, soạn mâm, bát, chia cơm canh.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Pa Ủ sắm vai thợ cắt tóc.

Giáo viên Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Pa Ủ sắm vai thợ cắt tóc.

Ở trường vui hơn ở nhà

Trường học bán trú - mô hình dành cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng xa có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các em không những được nuôi ăn, ở tại trường, có những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, mà còn thoát được nỗi lo, vất vả “ngược sơn” mỗi khi kết thúc buổi học. Năm đầu gộp 2 cấp học, Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Hua Bum, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có 502 học sinh. Nhà trường luôn chú trọng đến công tác bán trú để các em thấy được môi trường học tập giống như “ngôi nhà thứ 2”.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho biết: “Chúng tôi thành lập tổ quản lý để kèm cặp, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh bán trú. Từ kỹ năng nhỏ nhất đến việc theo dõi, nắm bắt tính cách, những khó khăn mà từng em gặp phải. Từ đó có biện pháp động viên, giúp đỡ cụ thể”.

Em Tẩn San Mẩy, lớp 7A, Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Hua Bum chia sẻ: “Nhà em ở bản Nậm Cười, rất xa trường nên em được ở lại bán trú. Đến trường chúng em không chỉ được học chữ, mà còn được vui chơi cùng bạn bè”.

Theo thầy Nguyễn Thành Long, năm học này, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Pa Ủ có 573 học sinh thì 350 em thuộc diện bán trú. Dù còn nhiều khó khăn, các thầy cô luôn xác định phải làm tốt công tác bán trú để học sinh đến trường thấy vui, đầy đủ hơn ở nhà. Có như vậy, công tác duy trì sĩ số mới đạt hiệu quả.

Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) có 19 lớp với 446 học sinh, 256 học sinh bán trú. Trong đó, có 39 em được hưởng chế độ theo Nghị định 116 và 202 em hưởng chế độ theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh Lai Châu, còn lại là bán trú dân nuôi.

Cô Phìn Mai Phương, Phó Hiệu trưởng, chia sẻ: “Có 27 học sinh lớp 1 ở bán trú. Việc dạy các em khá vất vả, đặc biệt với học sinh ở thôn, bản đưa xuống chưa nói sõi tiếng phổ thông. Xa nhà, ở bán nên các em còn ngượng ngùng, thiếu tự giác trong vệ sinh cá nhân cũng như nhiều việc khác. Chúng tôi giao thầy cô chủ nhiệm và học sinh lớp 4, 5 hướng dẫn các em làm quen dần với từng công việc. Hy vọng sau vài tuần nữa các em sẽ thích nghi với môi trường sinh hoạt, học tập mới”.

Em Lý Ngọc Khánh, học sinh lớp 5, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Đoàn Kết là anh trai của Lý Đình Hiếu mới vào lớp 1. Hai anh em được nhà trường xếp cho ở cùng phòng, giường để anh giúp đỡ em trong sinh hoạt, học tập. “Chúng em được ở cùng giường nên mọi sinh hoạt của Hiếu em có thể giúp đỡ. Em cũng có thể tranh thủ kèm học và chơi với em…” – Khánh chia sẻ.

“Những giải pháp của nhà trường sẽ giúp học sinh dân tộc tiếp cận nhanh nhất nội quy bán trú, tăng khả năng học hỏi và nhận sự giúp đỡ từ anh chị khóa trên. Ở cấp tiểu học, một số học sinh được ở bán trú, đây là điều kiện thuận lợi để các em hòa nhập nhanh hơn khi bước vào môi trường cấp THCS” – thầy Long chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Những vần thơ tự hát trái tim yêu

GD&TĐ - Sự nhạy cảm của một trái tim trước mọi lẽ cuộc đời đã thôi thúc Xuân Quỳnh đến với con đường làm thơ và hoạt động văn học.