Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson: Đối đầu hàng loạt bài toán nan giải

GD&TĐ - Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh chiều 24/7 sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn lãnh đạo đảng Bảo thủ. Ông sẽ công bố ngay nội các mới với nhiệm vụ đưa nước Anh ra khỏi EU muộn nhất vào 31/10 tới, dù có thỏa thuận Brexit hay không.

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson

Chiều 24/7, ông Boris Johnson đã hội kiến Nữ hoàng Anh và chấp thuận lời mời của Nữ hoàng thành lập chính phủ mới - một hành động có tính thủ tục. Trước đó, người tiền nhiệm, bà Theresa May, đã chính thức đề nghị Nữ hoàng cho từ chức. Bà May đã tuyên bố từ chức hồi tháng Sáu, khi không đem về cho nước Anh một thỏa thuận Brexit được Quốc hội chấp nhận.

Đoàn kết đất nước

Ông Johnson trở thành Thủ tướng sau chiến thắng quyết định trước Ngoại trưởng Jeremy Hunt trong cuộc bỏ phiếu của đảng Bảo thủ trước đó một ngày, giành 64% trong tổng số 160.000 phiếu của các thành viên Bảo thủ khắp nước Anh.

Việc thành lập nội các là bài toán “tiến thoái lưỡng nan” với ông Johnson, ở chỗ sẽ phải giải quyết thế nào với các đối thủ vừa bị ông đánh bại trong chính đảng Bảo thủ. Các đồng minh quan trọng của ông Boris Johnson nói rằng chính phủ của ông sẽ có cách tiếp cận thống nhất, vượt ra ngoài vấn đề Brexit, với “những tài năng trong đảng, thực sự phản ánh nước Anh hiện đại”.

“Đoàn kết lại đảng, và qua đó đoàn kết đất nước, là một phần quan trọng mà Boris đang đề cập” - BBC dẫn lời Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nói. Ông Hancock đã quay sang ủng hộ ông Johnson sau khi chính ông thất bại trong cuộc đua kế nhiệm bà May.

Cũng theo BBC, các nguồn tin nội bộ đảng Bảo thủ nói rằng, Ngoại trưởng Jeremy Hunt và ông Boris Johnson đã thảo luận để ông Hunt tiếp tục một vai trò nào đó trong nội các mới. BBC cho rằng, ông Johnson không muốn ông Hunt tiếp tục ở lại Bộ Ngoại giao, song ông Hunt khó mà chấp thuận vị trí nào đó thấp hơn vai trò hiện nay, hoặc thành Bộ trưởng Nội vụ, Chánh Văn phòng hay Phó Thủ tướng.

Ông Dominic Cummings, cựu Giám đốc chiến dịch bỏ phiếu Brexit, được cho là sẽ trở thành cố vấn cao cấp cho tân Thủ tướng. Ông David Frost, cựu Đại sứ, quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao, sẽ được bổ nhiệm là nhà đám phán chính về Brexit. Các vị trí trong nội các mới sẽ cho thấy tân Thủ tướng điều hành Brexit thế nào.

Nước Anh chia rẽ

Ông Johnson tiếp quản số 10 phố Downing vào một trong những khúc ngoặt nguy hiểm nhất của nước Anh thời kỳ hậu Thế chiến. Nước Anh đang bị chia rẽ sâu sắc vì vấn đề Brexit và đã bị suy yếu bởi cuộc khủng hoảng chính trị suốt 3 năm qua kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.

Cam kết của ông về thực hiện tiến trình Brexit muộn nhất vào ngày Halloween (31/10), dù có thỏa thuận với EU hay không, đã đẩy Anh vào thế đối đầu với EU và có nguy cơ gây ra khủng hoảng hiến pháp trong nước - Reuters nhận định.

“Giống một người khổng lồ đang ngủ gật, chúng ta sẽ trỗi dậy và loại bỏ những kẻ tự nghi ngờ và tiêu cực” - ông Johnson phát biểu hôm 23/7 sau khi được bầu - “Chúng ta sẽ tiếp thêm năng lượng cho đất nước. Chúng ta sẽ hoàn thành Brexit vào 31/10 và sẽ giành được lợi thế từ các cơ hội mà Brexit đem lại với một tinh thần mới”. Nhưng tân Thủ tướng sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức nếu muốn thực hiện được sứ mệnh mà bà May đã thất bại.

Ngoài một nước Anh chia rẽ, Brexit còn khiến người Anh day dứt về hàng loạt vấn đề, từ ly khai, người nhập cư, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, tinh thần Anh hiện đại. Đồng bảng đang yếu, kinh tế suy thoái, các đồng minh thất vọng vì cuộc khủng hoảng Brexit, các đối thủ thử thách nguy cơ dễ tổn thương của Anh. BBC nói rằng, di sản chính trị mà ông Johnson thừa kế có quá nhiều yếu tố gây thảm họa.

Đảng Bảo thủ của ông không chiếm đa số trong Quốc hội, vì thế, cũng giống như người tiền nhiệm, ông phải tiếp tục dựa vào sự hậu thuẫn của 10 nghị sĩ từ đảng Dân chủ Thống nhất từ Bắc Ireland cũng ủng hộ Brexit.

Công đảng, đảng Dân chủ Tự do và đảng SNP đã tuyên bố sẽ chống lại ông Johnson trong vấn đề Brexit, mặc dù họ đã từ bỏ vào phút chót lời đe dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm chống ông Johnson. Ông cũng không giành được sự ủy nhiệm của công chúng - bởi cuộc bầu cử này chỉ được tiến hành trong nội bộ đảng Bảo thủ để tìm người thay thế bà May.

Lòng tin suy thoái

Lòng tin với tân Thủ tướng Anh cũng đang bị lung lay từ mọi phía cả trong nước lẫn từ phía EU. Một số nhà lập pháp nói rằng, họ sẽ cản trở các nỗ lực Brexit mà không có thỏa thuận với EU. Nhiều nhà đầu tư và ngân hàng cảnh báo, rời EU mà không có thỏa thuận Brexit sẽ gây hiệu ứng domino khắp thế giới, đẩy nền kinh tế lớn thứ năm toàn cầu tới suy thoái, thậm chí rối loạn. Thị trường chứng khoán sẽ bất ổn, làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu của London.

Tất nhiên những người ủng hộ Brexit nói rằng các nguy cơ trên đã bị thổi phồng và nước Anh sẽ phát triển mạnh nếu cắt đứt khỏi những dự án của EU mà họ cho rằng đó là một nhóm các quốc gia do Đức thống trị, đang bị tụt hậu sau các đối thủ cạnh tranh toàn cầu như Mỹ và Trung Quốc.

Nhiều nhà ngoại giao EU cũng tỏ ý không hài lòng với viễn cảnh nước Anh tay không ra đi. “Nếu ông ấy thực sự không muốn có thỏa thuận thì ông ấy sẽ nhận được điều đó. Chúng tôi không bao giờ đẩy một thành viên ra ngoài nhưng chúng tôi không thể ngăn chặn ông ta. Nhiều khả năng, chính Quốc hội của ông ta sẽ quyết định” - một nhà ngoại giao EU nói. Nhà ngoại giao này còn ví tân Thủ tướng Anh như “một con tắc kè hoa”, một người đã tự khám phá mình nhiều lần đến mức mà “khó ai biết được ông ta muốn gì”.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Iran cũng là thử thách với tân Thủ tướng. Việc hai bên bắt giữ tàu chở dầu của nhau trong vùng Vịnh trong thời gian qua đã đẩy quan hệ hai bên tới mức rất tồi tệ, trong khi chưa rõ cách tiếp cận của Thủ tướng, cựu Ngoại trưởng này thế nào.

Hôm 24/7, Ngoại trưởng Iran đã chúc mừng chiến thắng của ông Johnson, song cũng cảnh báo rằng Iran “dù không muốn đối đầu nhưng sẽ bảo vệ các vùng biển của chúng tôi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.