Hàng trăm hiện vật được khai quật từ di tích khảo cổ Bãi Cọi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hội tụ những đặc trưng, giao thoa giữa 2 nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Được phát hiện lần đầu tiên năm 1974, trải qua hơn 3 thập kỷ bị “lãng quên”, cụm di tích Bãi Cọi đã được “đánh thức” bằng các cuộc khai quật do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) phối hợp cùng Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh và đặc biệt lần gần đây nhất, do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Sở VH,TT&DL Hà Tĩnh phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc thực hiện.
Kết quả của 3 lần khai quật này cho thấy, tại đây đã xác định được dấu tích và phạm vi phân bố của khu mộ táng có niên đại cách ngày nay khoảng hơn 2.000 năm với hàng chục ngôi mộ cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt chôn theo (đồ tùy táng) bằng gốm, đồng, đá, thủy tinh mà các dấu ấn kỹ thuật và nghệ thuật trang trí phản ánh sinh động quan niệm nhân sinh và tư duy của cư dân Bãi Cọi xưa.
Bãi Cọi là di tích rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu giai đoạn Sơ sử Việt Nam khi hội tụ những đặc trưng và mối giao lưu ảnh hưởng qua lại của cả hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Từ vị trí, tính chất đặc biệt đó, năm 2014, Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi, đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia.







Tháng 3/2025, Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Bãi Cọi - nơi gặp gỡ các nền văn hóa”, nhằm tôn vinh, giới thiệu tới đông đảo công chúng giá trị, vị trí, ý nghĩa của một di sản văn hóa quý giá - di tích Bãi Cọi. Trưng bày cũng là dịp ghi nhận kết quả thành công của mô hình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.
Với gần 100 hiện vật, tư liệu, hình ảnh, trưng bày giới thiệu 3 chủ đề chính: Bãi Cọi - Hành trình khám phá; Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa; Hợp tác quốc tế giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Hà Tĩnh và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.
Vào khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên, trên lãnh thổ nước ta đã hình thành ba trung tâm văn hóa tiêu biểu, là cơ sở hình thành nên các nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, cơ sở hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc; Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, cơ sở hình thành Vương quốc Champa; Văn hóa Đồng Nai - Óc Eo, cơ sở hình thành Vương quốc Phù Nam. Ba nền văn hóa này có mối quan hệ mật thiết, lâu dài với nhau tạo nên đặc trưng truyền thống văn hóa Việt Nam: Thống nhất trong đa dạng. Và di tích Bãi Cọi chính là minh chứng cho thấy sự ảnh hưởng, nơi giao thoa của các nền văn hóa: Văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng.