Tán thành chính sách mới trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

GD&TĐ - Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đề xuất 2 chính sách mới đó là: Không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; và chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.

Ảnh minh họa/Sỹ Điền
Ảnh minh họa/Sỹ Điền

Về vấn đề này, Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có báo cáo thẩm tra sơ bộ. Cụ thể:

Đối với chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (Điều 95); Thường trực Ủy ban tán thành với chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập như trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và cho rằng:

Chính sách trên đã thể chế hoá quan điểm của Đảng về phổ cập và xã hội hóa giáo dục; thúc đẩy và khuyến khích các loại hình trường dân lập, tư thục phát triển để tham gia thực hiện giáo dục phổ cập; thể hiện rõ trách nhiệm của nhà nước đối với người học diện phổ cập, đồng thời tạo sự bình đẳng giữa trường công lập và trường dân lập, tư thục.

Để chính sách ưu việt này được triển khai khả thi, có hiệu quả, TTUB đề nghị quy định rõ hơn về lộ trình thực hiện chính sách, trong đó đặt ra yêu cầu, thời điểm và điều kiện triển khai thực hiện chính sách học phí đối với người học thuộc diện phổ cập giáo dục này.

Đối với chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm (Điều 70) - Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm như đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo. Đề nghị Ban soạn thảo xác định phương thức đào tạo nâng chuẩn, các nguồn lực thực hiện chính sách để bảo đảm tính khả thi; đồng thời đánh giá tác động đối với các trường trung cấp sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ trung cấp khi chính sách này được thực hiện.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định chuẩn giáo viên mầm non đảm bảo hợp lý, sát với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp; phân định rõ yêu cầu của chương trình đào tạo, tăng thời lượng thực hành, kỹ năng xử lý tình huống, tránh để xảy ra sai sót trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.