Nhịn ăn sáng để dành tiền giúp đỡ học sinh nghèo
Sinh năm 1969, trong gia đình giàu truyền thống nghề giáo, từ khi còn nhỏ, nhìn thấy các anh chị trong gia đình đi dạy học và có nhiều học sinh, phụ huynh quý mến, từ đó, những ấn tượng đẹp về nghề giáo như chắp cánh ước mơ cho Hồ Thị Kiều Trang.
Tốt nghiệp phổ thông, Trang thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Tháng 9/1990, tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh, cô về công tác tại Trường Cấp 2 Hòa Bình 1 (nay là Trường THCS Nguyễn Anh Hào, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên).
Từ những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô giáo trẻ đã đặt cho mình những mục tiêu cần làm tốt, không chỉ phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao, mà còn phải yêu thương học trò, nhất là đối với những học sinh nghèo, giúp đỡ các em từ những việc làm trong khả năng có thể.
Công tác được 5 năm ở Trường Cấp 2 Hòa Bình 1, khi lập gia đình, cô Trang theo chồng chuyển về Trường Cấp 2 Hòa Phong (nay là Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, huyện Tây Hòa) cho đến nay.
Gắn bó với Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng suốt 23 năm, cô được nhiều thế hệ học trò yêu mến, kính trọng bởi sự mẫu mực về đạo đức và khả năng chuyên môn vững vàng.
Là người nhạy bén, luôn quan sát, gần gũi học sinh, cô Trang rất quan tâm tới những em có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng. Để có khoản tiền hỗ trợ, tiếp bước các em đến trường, nhiều lần cô nhịn ăn sáng hoặc ăn qua loa để dành tiền giúp đỡ các em.
28 năm gắn bó với nghề giáo, điều mà cô vẫn trăn trở là làm sao để những học sinh nghèo không phải bỏ học? Làm sao để chất lượng dạy và học của trường ngày càng được nâng lên?... Dấu ấn để lại trong cô sâu đậm nhất là những khuôn mặt rạng rỡ và niềm vui khi các em đạt được thành tích học tập tốt và những nỗi buồn rơi lệ khi các em có kết quả học tập không như mong muốn.
Chính điều này đã thôi thúc cô tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm mà bản thân còn thiếu nhằm đáp yêu cầu công tác để các em ngày càng có nhiều nụ cười và hạn chế đến mức thấp nhất những giọt nước mắt trên gương mặt các em.
Nhiều năm liền, cô Trang âm thầm chia sẻ, giúp đỡ nhiều thế hệ học sinh vững bước đến trường. Sự đỡ đầu của cô được thể hiện thông qua nhiều việc làm thiết thực như: Không thu tiền dạy thêm cho học sinh khó khăn, dành nhiều thời gian riêng để hướng dẫn những học sinh yếu kém…
Cần cái tâm
|
Cô Trang tâm sự: Học sinh ở Phú Yên đặc biệt là ở huyện Tây Hòa nơi cô đang công tác, phần lớn các em rất ham học tiếng Anh. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, môi trường thực hành tiếng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người học, vì thế các thầy cô phải nỗ lực rất nhiều trong dạy học, khơi gợi, tạo tình huống tương tự để các em có thể luyện tập tốt hơn, sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn.
Hiện nay, học sinh chỉ quan tâm luyện nghe, nói để giao tiếp là chính, kỹ năng viết ít chú trọng hơn, nên khả năng diễn đạt lời nói bằng con chữ có phần hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế trong việc học tiếng Anh của các em, cô Trang luôn luôn tìm tòi, nghiên cứu để viết và áp dụng nhiều sáng kiến kinh nghiệm, góp phần cho công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao nhất.
Cô đã có nhiều sáng kiến trong giảng dạy như: Tạo hứng thú học tập trong giới thiệu ngữ liệu mới; Một số biện pháp rèn luyện kỹ năng nghe cho học sinh; Một số biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng dụng cụ trực quan trong giảng dạy tiếng Anh …
Không chỉ đổi mới trong từng giờ giảng, cô luôn dành tâm huyết bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi của trường. Nhờ vậy mà nhiều học sinh của Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đã đạt thành tích cao tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, trong đó có 1 HCV và 3 HCĐ cấp quốc gia Giải Toán bằng tiếng Anh tại cuộc thi các CLB Toán tuổi thơ toàn quốc; 2 HCB và 1 HCĐ cấp quốc gia trong kỳ thi Giải Toán bằng tiếng Anh trên Internet; 2 HCĐ cấp quốc gia trong kỳ thi tiếng Anh trên Internet. Để các em đạt được thành tích này có sự đóng góp công sức dạy dỗ của cô Trang.
Chia sẻ về những công việc của mình đã làm, cô Trang cho biết: Bản thân mình và người thân đã được bao thế hệ thầy cô giáo dạy dỗ và dìu dắt nên người, việc tận tâm với học trò cũng là cách để trả ơn đời và trả ơn người.
Cô cho rằng, người giáo viên cần phải có tâm, có tầm và có tài. “Tâm” dạy học trong sáng trong cơ chế thị trường. “Tầm” vị trí của nhà giáo phải đặt trong lịch sử của ngành đã qua, để luôn tu dưỡng rèn luyện cho xứng với tầm vóc của người thầy mà xã hội tôn vinh. “Tài” phải ra sức học hỏi để bù đắp những khiếm khuyết của cá nhân về kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ mà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Với tất cả sự say mê, yêu nghề, cộng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, nhiều năm liền, cô Trang đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 11 năm liên tục được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (năm học 2007 - 2008 đến 2017 - 2018).
Hai lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (năm học 2009 - 2010 và 2012 - 2013); 5 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen; Năm 2018 cô nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp trồng người; 1 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm học 2012 - 2013) . Năm học 2017 - 2018, cô được vinh danh “Nhà giáo ưu tú”.