Nặng gánh với “phí lạ”
Đọc thông báo nhập học của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM hồi cuối tháng 8/2023, N.T.N. (sinh viên năm nhất) không khỏi bất ngờ trước nhiều khoản phí phải đóng.
Nhà trường đưa ra danh mục 7 khoản thu đầu năm, gồm: Học phí (tạm thu 15 tín chỉ học kỳ I) hơn 11,5 triệu đồng; bảo hiểm y tế (tạm thu 15 tháng) 850.000 đồng; bảo hiểm tai nạn (4 năm học) 200.000 đồng; thư viện số toàn khóa học 90.000 đồng; tin nhắn SMS một năm 80.000 đồng; sinh hoạt chính trị công dân đầu khóa 150.000 đồng; hệ thống quét trùng lặp 150.000 đồng. Tổng cộng, số tiền mà N. phải chuẩn bị khi nhập học là hơn 6,8 triệu đồng.
So với mặt bằng chung các trường đại học khác ở TPHCM, khoản thu trên là trung bình bởi học phí của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM ở mức thấp, không tăng nhiều năm nay.
Tuy nhiên, N. thắc mắc về các khoản phải nộp như phí thư viện số toàn khóa học, tin nhắn SMS, hệ thống quét trùng lặp. “Em không biết các khoản này thu để phục vụ cho việc gì”, tân sinh viên nói.
Theo tìm hiểu, với khoản thu tin nhắn SMS, nhà trường sẽ gửi tin nhắn qua điện thoại cho sinh viên về các hoạt động của nhà trường, kết quả học tập. Hệ thống quét trùng lặp phục vụ cho việc kiểm tra, chấm điểm đồ án, luận văn tốt nghiệp để tránh đạo văn, đảm bảo tính trung thực trước khi sinh viên nộp sản phẩm học tập, nghiên cứu. Hai khoản phí này là tùy chọn, không bắt buộc sinh viên.
Tại Trường ĐH Ngân hàng, danh mục khoản phí với sinh viên chính quy năm 2023 gồm danh mục 13 khoản phí. Ngoài học phí tạm tính trong học kỳ I, sinh viên phải đóng thêm 6 khoản phí bắt buộc gồm: Lệ phí nhập học; lệ phí thư viện đại học chính quy cả khóa học; giáo trình, tài liệu số của nhà trường biên soạn phục vụ học tập; gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến, wifi học tập; lệ phí kiểm tra tiếng Anh đạt trình độ đầu vào; lệ phí kiểm tra tin học đầu khóa. Mỗi khoản thu dao động 345.000 - 850.000 đồng/sinh viên.
Trên nhiều diễn đàn từ cuối tháng 8 đến nay, nhiều sinh viên lên tiếng về các khoản phí “lạ” ở trường của mình khi nhập học, như lệ phí nhập học, sổ tay sinh viên, túi hồ sơ, thẻ sinh viên, phí wifi…
Cần siết chặt quy định, tăng cường kiểm tra
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, lý giải các khoản thu mà nhiều sinh viên thắc mắc. Theo đó, phí thư viện số 90.000 đồng áp dụng cho 4 năm học. Theo đó, thư viện số có nhiều tài liệu, giáo trình, tạp chí khoa học, giúp cho việc học tập, nghiên cứu của sinh viên dễ dàng hơn.
Về hệ thống quét trùng lặp, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nhà trường đã đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá để đa dạng hơn trước đây. Thay vì chỉ thi học kỳ theo cách truyền thống, trường chú trọng đến đánh giá được nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng viết học thuật.
Tương tự như các trường đại học trên thế giới, các bài tập lớn (assignemnts) ở các môn học tại học kỳ đầu tiên có dung lượng 1.500 chữ trở lên phải quét trùng lặp qua hệ thống Turnitin để tránh sao chép, đạo văn trước khi giảng viên đánh giá.
Ở các trường khác trong nước và trên thế giới, sinh viên phải mất phí để sử dụng Turnitin. Do đó, khoản thu 150.000 đồng hệ thống quét trùng lặp cho cả năm học sẽ giúp sinh viên tiết kiệm chi phí.
Đại diện Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cũng phản hồi về những thắc mắc của sinh viên. Nhà trường cho biết, các khoản thu trên đều được tính toán hợp lý. Theo đó, lệ phí thư viện áp dụng cho hệ đại học chính quy được thu theo quy định của Nhà nước, đảm bảo mỗi môn học có tối thiểu 3 sách giáo trình, tài liệu tham khảo, sách chuyên khảo, tạp chí chuyên ngành, lượng sách 20 - 50 cuốn/đầu sách. Thư viện của trường cũng có sách ngoại văn, các nguồn cơ sở dữ liệu.
Giáo trình, tài liệu số được nhà trường biên soạn phục vụ học tập, trực tiếp cho các học phần bao gồm nội dung lý thuyết, bài tập, tình huống. Các tài liệu đã được số hóa, mỗi sinh viên được sử dụng không giới hạn thời gian, số lần truy cập.
Tài khoản truy cập được cá nhân hóa, sinh viên không cần phải mua sách bản giấy. Bình quân một chương trình đào tạo có khoảng hơn 40 môn học, sinh viên chỉ phải trả phí mua học liệu số khoảng 19.000 đồng/môn học. Khoản thu này bù đắp một phần chí phí nhà trường đã đầu tư cho công tác biên soạn, thẩm định, phát hành, số hóa, vận hành và bảo trì hệ thống học liệu số.
Ngoài ra, khoản phí gia tăng băng thông truy cập thông tin trực tuyến, wifi học tập đưa ra do nhà trường đã đầu tư lớn để gia tăng băng thông wifi, đáp ứng nhu cầu truy cập Internet phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu của người học tốt hơn. Khoản thu phí 500.000 đồng là áp dụng cho 4 năm học.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhận định, để hạn chế tình trạng thu phí không hợp lý đầu năm ở các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan quản lý cần siết chặt các quy định thu chi, tăng cường kiểm tra. Bởi nếu thả lỏng, nhiều trường đại học lợi dụng kẽ hở, đưa ra nhiều khoản thu “không tên”.
Theo ông Lê Viết Khuyến, song song với quyền tự chủ đại học, trong đó có tự chủ tài chính, các trường đại học phải thể hiện trách nhiệm giải trình với xã hội. “Thu khoản nào, phục vụ cho mục đích gì với giá thành ra sao, hiệu quả của các khoản thu này thế nào. Tất cả phải được công khai, minh bạch với người học, phụ huynh và xã hội”, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
Đồng thời, Hội đồng trường đại học phải thể hiện trách nhiệm trong vấn đề này. Khoản thu nào vô lý hoặc chưa cần thiết, gây áp lực kinh tế cho người học, Hội đồng trường có thể bàn bạc, đề nghị dừng thu.
Ngày 2/9, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM thông báo hủy bỏ việc sử dụng hệ thống nhắn tin qua điện thoại (hệ thống SMS). Tân sinh viên khóa 2023 tự chủ động theo dõi kết quả học tập cá nhân, thông báo từ khoa, phòng ban chức năng trên hệ thống trang thông tin điện tử của đơn vị hoặc của trường. Nhà trường cũng bỏ khoản thu “tin nhắn SMS” trong thông báo hướng dẫn thủ tục nhập học với tân sinh viên trước đó. Những em đã chuyển tiền khoản này sẽ được hoàn trả.