"Tân sinh viên đừng để mắc kẹt vào một kế hoạch hoàn hảo”

GD&TĐ - Việc thay đổi môi trường học tập, đặc biệt là theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay là một thách thức lớn đối với tân sinh viên.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn (bên trái) trong một hoạt động tư vấn tâm lý. Ảnh tư liệu chụp trước ngày 27/4/2021.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn (bên trái) trong một hoạt động tư vấn tâm lý. Ảnh tư liệu chụp trước ngày 27/4/2021.

Phía nhà trường và tân sinh viên cần làm gì để vượt qua những thách thức ban đầu này? Báo GD&TĐ đã trao đổi cùng GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam.

Một số lỗi cơ bản tân sinh viên dễ gặp

-Giáo sư có thể cho biết những vấn đề tân sinh viên thường gặp khi bước vào trường đại học?

-Các tân sinh viên thường khó giữ được sự quyết tâm, nỗ lực, bản lĩnh đương đầu với thử thách như trước. Việc vật lộn với bản thân để dậy sớm đăng nhập vào lớp học; đọc giáo trình, tham khảo các sách tài liệu chuyên ngành… trở nên khó khăn và thường hay bị trì hoãn.

Các bạn cũng khó có được sự chủ động, tích cực trong việc kết nối, làm việc nhóm hoặc chỉ đơn giản là phát biểu ý kiến cá nhân. Sự thiếu kỉ luật về quản lý thời gian cá nhân, hoặc thiếu chủ động trong kết nối với bạn bè trong lớp, trong khóa khiến các mối quan hệ hữu ích bị giảm sút. Ngoài ra, việc thụ động trong học tập kéo dài sẽ khiến các em rất dễ “ngủ quên” trong khối kiến thức mới và hệ lụy là kết quả học tập không như ý muốn.

Một số sinh viên dễ bị sa vào các bẫy rập xuất phát từ những hạn chế về kỹ năng sống như: sống ảo và đẩy mình lệch giá trị, ham muốn kiếm tiền và làm giàu nên dính vào bẫy đa cấp, bẫy học lớp học này kia mà không ý thức; nhậu online hay cá cược dẫn đến hạn chế việc học…

Một số sinh viên chưa thật tự lập nên chưa thích ứng với yêu cầu xa nhà, chưa quản lý thời gian hiệu quả dẫn đến lúng túng trong học tập, trong việc kiên định mục tiêu; cân bằng tâm lý nên khó thích ứng trong học tập cũng có thể xảy ra.

Các em chưa có sự chuẩn bị cũng như định hướng rõ ràng về việc học đại học với 3 hành trang quan trọng nhất: Kiến thức – Kỹ năng – Thái độ để vào đời và làm nghề. Việc định hướng được các kỹ năng nghề và trui rèn cho bản thân thái độ cầu thị, yêu nghề “đúng cách” để không “hại nghề” là một thách thức.

Lễ ký kết thực hiện cuộc vận động “Sinh viên UP - Sống khỏe” năm 2020 của Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Lễ ký kết thực hiện cuộc vận động “Sinh viên UP - Sống khỏe” năm 2020 của Trường ĐH Sư phạm TPHCM.

   Sự đồng hành của nhà trường

-Tân sinh viên rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ sở giáo dục đại học trong việc chống ‘sốc’tâm lý ở môi trường mới. Trường ĐH Sư phạm TPHCM có những mô hình nào hỗ trợ cho vấn đề này?

- Để hỗ trợ và đồng hành cùng tân sinh viên, Trường ĐH Sư phạm TPHCM trong những năm qua đã thực hiện rất nhiều chiến lược tác động khác nhau.

Kế hoạch đồng hành cùng với sinh viên năm nhất luôn luôn được cải tiến, nhất là việc làm quen với khoa, ngành và truyền thống ngành; việc làm chủ các tiện ích và hạ tầng như VLE, hệ thống đào tạo trực tuyến, thư viện, các nghị định đặc thù dành cho sinh viên sư phạm, các cơ hội học bổng…

Ngày hội UP dành cho các tân sinh viên hằng năm luôn được trường duy trì. Tân sinh viên khi tham gia ngày hội này được tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng của nhà trường, của các khoa đào tạo, giao lưu kết bạn với nhau và với các anh chị khóa trước, khoa khác.

Lễ đón tân sinh viên của các khoa đào tạo là một truyền thông quý báu của trường. Ở ngày lễ này, tân sinh viên sẽ được giao lưu với các anh chị năm 2, để có thêm kiến thức và kỹ năng chính trong ngành các bạn được đào tạo; cũng như trao đổi, đặt câu hỏi với Ban Chủ nhiệm khoa để hiểu rõ hơn về ngành, về nghề.

Đặc biệt, trong năm học 2021 – 2022, theo kế hoạch vào tháng 10, nhà trường tổ chức thêm mô hình phòng Tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ, can thiệp và tư vấn cho bạn tân sinh viên vượt qua những cú “sốc” tâm lý ở môi trường mới, vững bước vào nghề. Phòng được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia tâm lý trực thuộc Khoa Tâm lý học của trường. Kết quả kỳ vọng sẽ trang bị cho các bạn tân sinh viên sự chăm sóc tinh thần hiệu quả khi bắt đầu học tập ở môi trường mới.

Tân sinh viên trong ngày hội sinh viên HCMUE - UP 2020.

Tân sinh viên trong ngày hội sinh viên HCMUE - UP 2020.

 Những lưu ý dành cho tân sinh viên

-Thời gian 4 năm học ĐH trôi qua rất nhanh, theo ông, tân SV cần làm gì để sớm hòa nhập với môi trường mới này?

- Sớm hòa nhập với môi trường mới và thích ứng là điều rất cần thiết.  Các em hãy tìm hiểu về hệ thống trường mình theo học, “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Đặc biệt, cần kiên định nếu đó là sự lựa chọn mình đã có đủ cơ sở.

Hãy luyện tập sử dụng công cụ học trực tuyến và phương pháp học trực tuyến hiệu quả để việc học trực tuyến không còn là thách thức, mà trở thành một người “cộng sự” luôn đồng hành cùng các em khám phá thời đại số 4.0.

Tân sinh viên phải luôn có thái độ nghiêm túc, chỉnh chu và kỷ luật khi học tập, cả trong việc lĩnh hội tri thức mỗi buổi học, làm việc nhóm cùng bạn và thi cử; Phải tự hoạch định và định hướng trang bị kỹ năng mềm cần thiết cho bản thân để từng bước dấn thân vào ngành, vào nghề và vượt qua khó khăn, cám dỗ thời sinh viên. Chủ động kết nối và tạo dựng các mối quan hệ xã hội quan trọng làm nền tảng cho tương lai.

Các em hãy tập tự đánh giá bản thân, không quá vội vã cho hành trình khẳng định bản thân, với các lời mời gọi trong nghề, hay việc tham gia hàng loạt các cơ hội phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc bởi hành trình này khá dài, nhiều cơ hội nên đừng quá vội.

Việc duy trì quan hệ gia đình, các hoạt động để cân bằng bản thân nhằm không đuối sức dần là điều cần thiết bởi điểm tựa và nơi ta tin nhất, thoải mái nhất luôn rất có ý nghĩa. Phải nhận thức rõ rằng không ai khác mà chính các em sẽ quyết định cuộc đời mình, sự nghiệp của mình. Hãy luôn đón nhận những điều mới mẻ bằng tâm thế cầu thị và sự chân thành!

Tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM trong ngày hội sinh viên HCMUE - UP 2020.

Tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM trong ngày hội sinh viên HCMUE - UP 2020.

-Để biến chặng đường học tập trong 4 năm tới trở thành một chuyến hành trình trải nghiệm thú vị, ông có lời khuyên gì với các tân SV?

-Thứ nhất, đừng để bị mắc kẹt vào một kế hoạch hoàn hảo. Xã hội luôn thay đổi, con người cũng phải thay đổi để thích ứng với điều mới mẻ trong cuộc sống. Việc lập kế hoạch là tốt, nhưng tốt hơn khi bạn biết cân chỉnh kế hoạch theo  diễn tiến mới, bước ngoặt mới cuộc đời mình. Sống và học; học và hành hoàn hảo chứ không nhất thiết phải hoàn hảo theo bất kỳ ai.

Thứ hai, hãy là chính mình, hãy luôn cởi mở và quan tâm đến bản thân. Đừng mải mê theo đuổi ham muốn – những cám dỗ – khiến bạn mất đi màu sắc cá nhân của mình hoặc lạc hướng. Bạn chỉ phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất khi là chính mình!

Thứ ba, hãy tìm cho bản thân ít nhất một người cộng sự đáng tin tưởng để cùng bạn chinh phục các bậc thang tri thức nghề nghiệp. Một người bạn “đặc biệt” luôn ở bên, đồng hành, nâng đỡ tinh thần cùng bạn cũng như cùng nhau khám phá những điều đặc biệt ở một môi trường học mới, thành phố mới, địa điểm du lịch mới…

Và cuối cùng là tìm một người thầy luôn hướng dẫn, tận tình chỉ bảo cũng như “khuyên răn” bạn khi bạn chẳng  may “trượt chân” ngã xuống trên “đại lộ danh vọng” của nghề nghiệp. Hãy hiểu rằng những gì ta đang có, sẽ có chỉ là bắt đầu và hành trình vẫn còn tiếp tục. Suy nghĩ tự tin là cần nhưng những cảm nhận tôi rất giỏi, tôi có thể hơn nhiều người đã ở vị trí này kia, tôi có thể thay đổi cả ngành… phải cân nhắc xem đó là mơ hay thực để tránh làm cho mình nhầm lẫn.

  -Xin trân trọng cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.