Tân sinh viên chưa ổn định học tập đã lo tìm việc làm

GD&TĐ - Vừa “chân ướt chân ráo” lên thành phố học tập, không ít tân sinh viên đã “ngóng” tìm việc làm thêm.

Tân sinh viên nhập học Học viện Tài chính. Ảnh: Website nhà trường
Tân sinh viên nhập học Học viện Tài chính. Ảnh: Website nhà trường

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thời điểm này, các em nên ổn định học tập, hòa nhập với môi trường mới.

Muôn vàn lý do

Trở thành sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội hơn 1 tháng, Nguyễn Thanh Thúy, quê huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) đã “nhấp nhổm” tìm việc làm thêm để có thu nhập, san sẻ gánh nặng kinh tế gia đình. Thanh Thúy được bạn cùng xóm trọ giới thiệu đến cửa hàng khô phụ việc với tiền công 10 nghìn đồng/giờ. “Biết công rẻ mạt nhưng em vẫn xin việc để vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, sau đó tìm kiếm cơ hội khác”, Thanh Thúy bộc bạch.

Chia sẻ lý do đi làm thêm ngay sau khi nhập học, Thanh Thúy cho hay: “Em là chị cả, dưới còn 2 em học THCS và THPT. Bố làm phụ hồ, mẹ làm ruộng. Vừa rồi, bố em không may gẫy chân nên phải nghỉ làm. Một mình mẹ cáng đáng việc nhà, lo tiền ăn học cho 3 chị em. Vì thế, em muốn đi làm thêm để tự lo cho bản thân, giảm gánh nặng cho bố mẹ”.

Thực tế, không ít sinh viên bị đối tượng lừa đảo khi xin việc. Lê Thị Quỳnh Anh, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, sau khi nhập học, em đọc trên mạng thông tin tuyển dụng vào công ty truyền thông. Theo giới thiệu của nhân viên tuyển dụng, công ty nhận hỗ trợ đào tạo cho sinh viên, thậm chí cầm tay chỉ việc cho người chưa có kinh nghiệm. Sau vài tháng thử việc, thu nhập có thể từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty hỗ trợ tiền ăn, xăng xe; thậm chí chỗ ở cho sinh viên ở xa.

Tuy nhiên, để ứng tuyển, mỗi sinh viên phải nộp lệ phí đào tạo 350 nghìn đồng với hình thức bán thời gian (part time) và 500 nghìn đồng làm việc toàn thời gian (full time); trong đó có 50 nghìn đồng làm thẻ nhân viên. Nếu nghỉ việc được hoàn trả tiền làm thẻ. Đến với khóa đào tạo của công ty, ứng viên vẫn có thể thay đổi lựa chọn hình thức part time hoặc full time.

Nhưng, nếu ban đầu ứng viên chọn nộp tiền theo hình thức toàn thời gian sau đó chọn bán thời gian sẽ bị trừ 50 nghìn đồng (được hoàn trả 100 nghìn đồng). Và chọn ngược lại, ứng viên phải nộp phí 600 nghìn đồng, tăng thêm 250 nghìn đồng.

Thấy lệ phí không quá cao, trong khả năng tài chính của mình, cùng lời giới thiệu hấp dẫn của nhân viên, sự nôn nóng có việc làm thêm nên Quỳnh Anh đã đồng ý đóng phí theo hình thức toàn thời gian, mức 500 nghìn đồng. Sau đó, Quỳnh Anh được nhân viên viết giấy hẹn đến văn phòng công ty phỏng vấn, có địa chỉ rõ ràng.

“Hôm sau, em tìm đến địa chỉ ghi trong giấy hẹn thì phát hiện không có công ty như vậy. Đó là cửa hàng bán quần, áo trẻ sơ sinh. Gọi điện lại thì không liên lạc được. Chị chủ cửa hàng “chốt” luôn là em đã “sập bẫy” lừa đảo”, Quỳnh Anh ngậm ngùi chia sẻ và mong tân sinh viên lấy đó làm bài học kinh nghiệm để không bị lừa đảo như mình.

Tân sinh viên nhập học Học viện Quản lý Giáo dục. Ảnh: Website nhà trường.

Tân sinh viên nhập học Học viện Quản lý Giáo dục. Ảnh: Website nhà trường.

Nên nhất tâm vào học

Theo TS Nguyễn Phi Long - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam, làm thêm cũng là một trong những trải nghiệm cho sinh viên; vừa có thu nhập, vừa trang bị kỹ năng sống và bài học thực tế. Tuy vậy, tân sinh viên không nên nôn nóng và gấp rút làm thêm, nhiều người lợi dụng sự non nớt của các em để dụ dỗ, lừa đảo theo kiểu việc nhẹ lương cao.

“Năm thứ nhất, mới “chân ướt, chân ráo” lên thành phố học tập, vì thế việc các em cần làm là nhanh chóng làm quen với cuộc sống tự lập, hòa nhập môi trường, phương pháp học tập mới. Đừng để việc làm thêm ảnh hưởng kết quả học tập. Nếu cần phải đi làm để trang trải chi phí hãy bảo đảm rằng, các em đã tìm hiểu kỹ nơi làm việc; tránh bị rơi vào bẫy những công ty lừa đảo. Theo đó, các em nên nhờ thầy, cô, anh/chị sinh viên khóa trước giới thiệu việc làm”, TS Nguyễn Phi Long tư vấn.

Khuyến nghị, sinh viên chỉ nên đi làm thêm khi đã hoàn thành tốt việc học tại trường, TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) nhấn mạnh, đây mới là nhiệm vụ chính yếu. Các em nên nhất tâm vào việc học và bỏ tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”.

“Mỗi lần chúng tôi họp Hội đồng xét học vụ, Hội đồng phải ra quyết định cảnh báo hoặc buộc thôi học nhiều sinh viên. Điều này khiến các thầy/cô không khỏi xót xa”, TS Hoàng Trung Học bày tỏ.

Để tránh rơi vào tình cảnh trên, TS Hoàng Trung Học khuyên tân sinh viên nghiên cứu kỹ quy định đào tạo trường mình theo học; theo dõi thông tin đào tạo thường xuyên thông qua các kênh chính thống; xây dựng kế hoạch học tập từng năm, kỳ, môn học và thời điểm cần đạt; tận dụng tối đa sự hỗ trợ của giảng viên cố vấn; tự giác ôn tập sau mỗi ngày học tập. Không thể chỉ ôn tập trước mỗi kỳ thi.

“Nếu tân sinh viên không biết điều chỉnh hài hòa giữa việc học và làm thêm sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập. Thay vì vội vàng tìm việc làm thêm, tân sinh viên nên dành thời gian để thích nghi cuộc sống mới và cách học ở đại học. Từ đó, các em đưa ra kế hoạch cụ thể, học cách sắp xếp thời gian, ưu tiên những gì mình lựa chọn”, TS Lưu Hữu Đức – Trưởng ban Công tác Chính trị và Sinh viên, Học viện Tài chính khuyến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ