Nhưng nếu có hiếu vô điều kiện, quá nghe lời cha mẹ mà biến thành kẻ nhu nhược thì cũng khiến chị em chạy mất dép.
Thu và Quân (chồng sắp cưới của cô) quen nhau được 3 năm. Hai gia đình rất môn đăng hậu đối và dự định cuối năm nay sẽ tổ chức lễ cưới cho đôi trẻ. Tuy nhiên vì người yêu quá yêu chiều mẹ mà Thu đâm ra “dị ứng”, băn khoăn không biết có nên gửi gắm cả cuộc đời vào người đàn ông “ướt át” này không.
Nhà người yêu Thu kinh tế cũng bình thường nhưng anh ấy rất yêu thương gia đình mình. Đặc biệt Quân quá coi trọng mẹ, lúc nào cũng một điều mẹ anh thế này, hai điều mẹ anh thế kia. Như nhiều gia đình khác thỉnh thoảng cũng có những chuyện không hài lòng giữa các anh - chị - em trong nhà, thậm chí là cãi nhau nhưng nhà Quân thì không bao giờ xảy ra chuyện này.
Đi với Thu bao giờ anh cũng kể những chuyện tốt đẹp về gia đình mình, lúc nào cũng dành những tình cảm yêu thương ngọt ngào với mẹ, với chị. Nếu có chuyện hiểu nhầm gì giữa Thu và gia đình anh ấy, bao giờ anh ấy cũng đứng ra bênh vực mẹ và chị mình: “Mẹ anh không có ý đó đâu! Chị anh không có ý đó đâu!”.
Một ngày Quân phải gọi điện tâm sự với mẹ đến 3- 4 lần, lần nào cũng phải tâm sự ít nhất là nửa tiếng. Sáng dậy Quân phải gọi cho mẹ một lần, buổi trưa ăn cơm cũng gọi điện cho mẹ và buổi tối gọi thêm lần nữa.
Nhiều hôm hai người đang đi chơi với nhau, Quân cũng lôi điện thoại ra gọi cho mẹ vì sợ đến lúc về nhà thì đã muộn, lúc đó mẹ anh lại đi ngủ rồi. Mẹ Quân còn bảo mỗi ngày không được nghe giọng anh là bà ăn không ngon, ngủ không yên.
Ban đầu Thu thấy người yêu tình cảm với mẹ thế cũng là chuyện bình thường, vì anh là con trai duy nhất của gia đình lại là đứa con út được mẹ chiều chuộng nhất. Từ khi học đại học phải xa gia đình Quân đã quen kết nối với mẹ bằng chiếc điện thoại để bà đỡ nhớ.
Nhưng dần dần thấy chuyện gì Quân cũng ý mẹ anh thế này, ý mẹ anh thế kia làm Thu chán ngán. Đàn ông như thế Thu thấy ủy mị quá, dù biết tình cảm là tốt nhưng thái quá thì cũng không hay.
Vì thế giờ dù đang rục rịch chuẩn bị chuyện cưới xin nhưng Thu cứ cảm thấy mông lung, sau này nếu nhỡ Quân vì hiếu thảo, nghe lời mẹ mà hắt hủi cô thì sao?
An cũng rơi vào tình trạng tương tự như vậy, nhiều lúc cô ân hận vì đã trót cưới một người chồng quá tôn thờ mẹ, luôn coi mẹ là số 1. Tuấn-chồng An là một người đàn ông có chí khí, giỏi giang, thành đạt, ra ngoài anh thét ra lửa khiến nhiều người phải nể sợ nhưng chỉ khi về nhà, An mới biết lúc nào anh cũng nhũn như con chi chi trước mặt mẹ mình.
Tuấn lúc nào cũng tự hào về bố mẹ và đặc biệt ông bà có nói sai thì cũng không một lời phản đối, răm rắp nghe theo, lúc nào cũng chỉ sợ làm phật lòng ông bà. Trong tất cả các cuộc tranh luận giữa mẹ chồng và con dâu, mẹ anh luôn luôn đúng còn vợ thì lúc nào cũng sai.
Vì ở chung nhà nên An cũng cố nhịn, âm thầm chịu đựng cho êm ấm cửa nhà.
Đến khi sinh con, ở cữ, An muốn xin về nhà mẹ đẻ một thời gian nhưng mẹ chồng cô không đồng ý. An nhờ chồng nói giúp nhưng Tuấn không dám hó hé gì, vậy là dù được nghỉ sinh 6 tháng mẹ con cô cũng không được về ngoại ngày nào.
Đến khi vợ chồng tích cóp được một khoản tiền muốn mua một ngôi nhà riêng thì mẹ chồng cũng xen vào, bà bảo chỗ ấy không được, chỗ kia không xong, bà đi xem phong thủy không hợp, làm ăn không tốt nên không cho mua, thành ra đến tận bây giờ vợ chồng An cùng hai đứa con vẫn phải ở chung với ông bà và cậu em trai chồng trong căn nhà vỏn vẹn có 30m2.
Nếu An có than thở với chồng thì anh lại bảo giờ bố mẹ già rồi nên phải chiều ông bà, mọi việc đều phải nghe theo ý kiến và sự sắp xếp của ông bà. Bà lại có bệnh tim nên nếu con cái làm gì trái ý khiến bà không vui mà phát bệnh thì còn nguy hiểm hơn. Vợ không có người này thì lấy người khác nhưng mẹ thì chỉ có một mà thôi.
Dù nhiều lần phải âm thầm chịu đựng tính khí trái khoáy của mẹ chồng, nuốt nước mắt vào trong nhưng vì chồng vì con An vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Cô chỉ mong ước hai vợ chồng có thể sớm mua được nhà để ra riêng, chỉ có thế cuộc sống của vợ chồng cô mới bớt chịu ảnh hưởng quá đáng từ mẹ chồng.
Đôi lúc An cũng tự an ủi mình dù chồng có nghe lời mẹ nhưng vẫn còn chút chính kiến chứ không như Đức, anh họ của cô đã ngoài 30 tuổi mà lúc nào cũng chỉ biết “núp váy mẹ”.
Đức là con trai duy nhất nhà bác cô, bố anh mất sớm, mẹ anh ở vậy lo cho con nên anh là niềm tin, niềm hi vọng và tự hào duy nhất của bà. Ngay từ nhỏ anh đã không muốn làm cho mẹ buồn. Anh còn ngủ chung với mẹ đến tận khi kết hôn.
Mẹ Đức lúc nào cũng coi anh như trẻ con, ngày nào cũng đi chợ sớm để mua những thứ tươi ngon nhất cho con, lúc nào cũng có thể ôm ấp con trai như con nít. Bác An vẫn luôn tự hào khi có đứa con "bảo sao nghe vậy" và thường bĩu môi khi nhà ai có con trai không nghe lời mẹ.
Đó là lúc chưa vợ con, đến lúc Đức đến tuổi yêu và cưới mới thực là tai họa. Đức đưa cô nào về cũng bị chê hết, mà cứ hễ mẹ chê là anh bỏ luôn. Rồi mãi thấy con trai đến gần 30 tuổi vẫn chưa yên bề gia thất, mẹ anh mới đồng ý cho anh lấy một chị.
Nhưng cuộc sống chung giữa hai người đàn bà cùng yêu một người đàn ông thật không dễ dàng chút nào. Mẹ Đức cứ hay soi mói, xét nét con dâu, kiểu hậm hực cái gì đó, mấy năm chị về làm dâu An lúc nào cũng thấy bác mình hậm hực gì đó với chị dâu mà không nói ra.
Có lẽ là do ghen với con dâu, nhưng khổ cái là Đức, con giai bác sợ mẹ một phép chứ có dám yêu chiều gì vợ đâu, thế mà bác vẫn ghen.
Chị dâu An lại làm cho công ty nước ngoài nên ăn mặc cũng trẻ trung, năng động hiện đại, nhưng hễ chị mặc cái váy hay đi đôi giầy xịn là lại bị mẹ chồng để ý, soi mói rồi dè bỉu. Chị ấy sinh con ra thì mẹ chồng ôm cháu chằm chặp cả ngày không cho bế, không cho sang ngoại, rồi lại hay kể công nuôi nấng con trai trưởng thành....
Chị dâu An lại là người có học, hiểu biết nên con giun xéo mãi cũng quằn, chị ấy bắt đầu tự chủ mọi việc, cho con ăn theo ý mình, mặc theo ý mình, cuối tuần xin về ngoại, đi nghỉ mát cả tuần với cơ quan bế con theo, và làm ra tiền nên tự thuê một cái chung cư be bé cho hai mẹ con.
Bác An giận tím mặt, khóc lóc với con trai bảo con dâu đè đầu cưỡi cổ nhà chồng, cậy có tiền mà qua mặt nhà chồng. Anh họ An cũng làm ầm ĩ lên với vợ, một thời gian dài ức chế như vậy chị dâu An bế con dọn đi luôn.
Trước khi đi chị ấy còn bảo: "Anh đừng lấy vợ nữa, anh không phải một thằng đàn ông. Đàn bà như tôi còn tự chủ được mọi thứ chứ như anh, mẹ chưa mắng xong đã vãi đái ra quần thì che chở được cho ai, chúc anh hạnh phúc đầu bạc răng long với mẹ anh!".
Hiện tại vợ chồng anh chị họ An vẫn chưa ly hôn. Thỉnh thoảng Đức vẫn qua lại thăm vợ con. Mỗi lần chồng đến thăm con chị dâu An lại vui vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra, cứ một mực bảo mẹ làm cho chúng ta như vậy chứ bản thân em với anh không có vấn đề gì.
Mẹ Đức thì lại muốn con trai ly hôn ngay để tỏ rõ vị thế của mình trong lòng con trai, nhưng chị dâu An thì chưa vội, vẫn mềm mỏng ngọt nhạt để chồng qua lại vì vốn anh ấy vẫn yêu con.
Chỉ có Đức đứng giữa là khổ nhất, anh yêu vợ nhưng không đủ mạnh mẽ nhìn ra cái sai của mẹ, mấy năm rồi vẫn một chốn đôi nơi, tâm lý ngày càng bí bách, già sọm đi.
Mọi người khuyên Đức phải quyết định rõ ràng chứ không thể nhùng nhằng mãi thế này được nhưng anh không dám và cũng không thể chịu nổi những giọt nước mắt của mẹ...
Đúng là không phụ nữ nào lại chọn người chồng không yêu thương gia đình mình nhưng nếu lấy phải một người đàn ông chỉ biết nghe lời mẹ, bám váy mẹ thì tương lai cũng chỉ làm khổ vợ, khổ con.
Người đàn ông nếu biết yêu thương gia đình đúng mực, biết đâu là đúng đâu là sai để đưa ra quyết định đúng đắn cho cuộc sống của mình thì mới xứng đáng là trụ cột gia đình, mới bảo vệ được tổ ẩm và vun đắp hạnh phúc gia đình mình.