Tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm mỹ phẩm

GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ enzyme, nhóm nghiên cứu ở Công ty TNHH Bio Nông Lâm đã tạo ra những nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm an toàn từ vụn tổ yến, da cá, da ếch.

Mỹ phẩm từ phế thải - vụn tổ yến.
Mỹ phẩm từ phế thải - vụn tổ yến.

Ông Lê Phước Thọ, Công ty TNHH Bio Nông Lâm (thành viên Trung tâm Uơm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết, là một nước nông nghiệp, hằng năm Việt Nam thải ra một lượng lớn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Phần lớn, những phụ phẩm này chưa được tận dụng triệt để, chủ yếu là thải bỏ.

Trong khi đó, từ đế đông trùng hạ thảo có thể thu cao chiết đông trùng chứa adenosine, cordycepin, polysaccharide; từ da ếch hoặc da cá (tra, ba sa…) có thể tách chiết collagen; từ mật rỉ đường có thể lên men Candida bombicola, sản xuất chất hoạt động bề mặt Sophorolipids; vụn tổ yến có thể đem thủy phân để thu acid amin…

Các chất, hoạt chất này được dùng làm chất nền (nước hoặc dầu), chất nhũ hóa, tạo gel, tạo mùi, tạo màu, chất bảo quản… trong sản xuất mỹ phẩm. Chúng quyết định phần lớn công dụng, hiệu quả của mỹ phẩm, lại không độc hại, nên ngày càng được thị trường ưa chuộng.

Công ty TNHH Bio Nông Lâm đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ thủy phân vụn tổ yến tạo dịch acid amin. Dịch này sẽ được sử dụng làm hoạt chất bổ sung trong quá trình sản xuất mỹ phẩm. ThS Lê Phước Thọ cho biết, quy trình này ứng dụng công nghệ enzyme và nguyên liệu sử dụng chính là vụn tổ yến.

Đây là phế phụ phẩm trong quá trình thu hoạch tổ yến, chứa lông, phân, giá trị kinh tế rất thấp. Để thủy phân vụn tổ yến thu dịch acid amin, các cán bộ của công ty đã sử dụng enzyme protease.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại enzyme protease với cách sử dụng, công dụng và thông số khác nhau. Do đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm đơn yếu tố và đa yếu tố để tối ưu hóa quy trình sử dụng enzyme này sao cho hiệu quả thủy phân là tốt nhất.

Các thí nghiệm cho kết quả, với tỷ lệ enzyme 3 - 5%, nhiệt độ 50 - 60 độ C, thời gian 60 – 90 phút, pH 6 - 7, tốc độ khuấy 1.200 – 1.800 vòng/phút thì quá trình thủy phân sẽ xảy ra hoàn toàn và hàm lượng acid amin thu được trong dịch thủy phân là khá cao.

Tiến hành phân tích các chỉ tiêu chất lượng dịch thủy phân thu được kết quả, hàm lượng acid amin tổng sau khi thủy phân đã tăng lên (81,979 microg/ml) so với trước khi thủy phân (53,903). Trong khi đó, chỉ số kháng oxy hóa cũng tương đối cao.

Ngoài ra, dịch thủy phân cũng đảm bảo “Tiêu chuẩn giới hạn vi khuẩn, nấm mốc trong mỹ phẩm” của Bộ Y tế. Thử nghiệm bổ sung vào kem dưỡng da, cho thấy dịch acid amin từ vụn tổ yến phù hợp cho việc ứng dụng làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm.

Sau khi thu được dịch thủy phân, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phối trộn vào sản phẩm kem dưỡng da với tỷ lệ 0,5 - 3%. Sau đó, nhóm theo dõi các biến đổi trong 14 ngày và 21 ngày ở các nhiệt độ 4 độ C, nhiệt độ phòng và 40 độ C để tìm ra tỷ lệ phù hợp nhất theo công thức mà công ty đã xây dựng.

Kết quả, ở nhiệt độ 40 độ C, với 2% dịch amino acid, sản phẩm kem dưỡng da vẫn giữ nguyên được các đặc tính ban đầu mà không bị biến đổi về màu sắc, mùi hương.

“Dịch amino acid được thủy phân từ vụn tổ yến qua các thử nghiệm cho thấy hoàn toàn phù hợp cho việc ứng dụng làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm” – ThS Lê Phước Thọ khẳng định.

Đồng thời cho biết thêm, tùy thuộc vào thế mạnh sẵn có của từng doanh nghiệp, từng công ty để lựa chọn, xây dựng và nghiên cứu một quy trình phù hợp cho từng nhóm hợp chất/hoạt chất làm nguồn nguyên liệu tiềm năng ứng dụng cho ngành mỹ phẩm.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng hoàn thiện quy trình tách chiết collagen từ da ếch hoặc da cá, sản xuất chất hoạt động bề mặt Sophorolipids từ mật rỉ đường... Tùy từng loại phế phẩm, có thể lựa chọn các enzyme và quy trình sản xuất khác nhau cho phù hợp.

Nhóm nghiên cứu có thể tư vấn, chuyển giao công nghệ hoặc sản xuất các nguồn nguyên liệu này cho các đơn vị có nhu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ