Hàng loạt cơ sở giáo dục đại học thông báo xét tuyển bổ sung năm 2024, mở ra nhiều cơ hội cho những thí sinh chưa trúng tuyển hoặc trúng vào ngành học chưa ưng ý nên không xác nhận nhập học.
Xét tuyển bổ sung được xem là cơ hội “vàng” cho những thí sinh thuộc trường hợp nêu trên. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, các em có thể rơi vào tình cảnh “trắng tay” và sẽ ôn luyện để thi lại ở mùa tuyển sinh năm sau. Năm nay, nhiều ngành thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên, sức khỏe cũng tuyển bổ sung nhằm lấp đầy chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.
Nhiều trường đã thông báo điểm chuẩn đầu vào của đợt xét tuyển bổ sung. Cũng có ngành điểm cao “chót vót” và phủ kín chỉ tiêu ngay trong 1 - 2 ngày “chiêu sinh”. Song cũng có những ngành được dự báo là khó thu hút thí sinh, nhất là những ngành truyền thống, khoa học cơ bản nên các trường phải “chắt chiu” từng hồ sơ.
Dự kiến, những ngành này tiếp tục phải xét tuyển bổ sung kéo dài, vì theo quy định, các cơ sở đào tạo được xét tuyển bổ sung đến tháng 12/2024 (nếu có nhu cầu). Cụ thể, từ ngày 28/8 đến tháng 12/2024, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo, thực hiện theo đề án tuyển sinh (nếu cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung).
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để lấp đầy chỉ tiêu những ngành khoa học cơ bản, truyền thống không phải là bài toán dễ. Đây cũng là lý do khiến nhiều cơ sở đào tạo, chuyên gia đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho những ngành này; trong đó kiến nghị về cơ chế “đặt hàng” và có chính sách đặc thù nhằm thu hút người học, bổ sung nguồn nhân lực cho lĩnh vực khoa học cơ bản và một số ngành truyền thống.
Trở lại vấn đề xét tuyển bổ sung, Bộ GD&ĐT quy định, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt trước đó. Thí sinh cần lưu ý nguyên tắc này để cân nhắc và có lựa chọn phù hợp, bảo đảm cơ hội trúng tuyển vào trường mình mong muốn.
Xét tuyển bổ sung kéo dài đến cuối năm, song càng về sau, chỉ tiêu xét tuyển càng ít, do đó, thí sinh cần nắm chắc thông tin để không bỏ lỡ cơ hội. Vì đợt xét tuyển này thường diễn ra trong trường hợp các cơ sở đào tạo đại học chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Nguyên nhân có thể là do số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển chưa đủ hoặc thí sinh không xác nhận nhập học với nguyện vọng đã trúng tuyển trước đó.
Đây gần như là cơ hội cuối cùng dành cho thí sinh trong mùa tuyển sinh 2024. Do đó, hơn bao giờ hết, các em cần tập trung theo dõi thông tin tuyển sinh bổ sung của các trường như: Chỉ tiêu, thời gian, phương thức xét tuyển, mức điểm chuẩn xét tuyển đợt 1, điểm sàn xét tuyển đợt 2. Từ những thông tin trên, thí sinh đưa ra lựa chọn phù hợp để có thể trở thành tân sinh viên.
Mùa tuyển sinh năm 2024 dần khép lại, chuẩn bị cho hành trình mới khi mà năm 2025 sẽ có học sinh tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Do đó, việc mà các trường đại học cần làm là, hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định. Trên cơ sở đó, hoàn thiện phương thức tuyển sinh từ 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông; đồng thời khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng trong tuyển sinh 2025.
Mong rằng, từ năm 2025, các cơ sở đào tạo sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1, không còn trường nào phải lo toan, “chật vật” xét tuyển bổ sung.