Họ kỳ vọng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ trở thành “bạn học” của học sinh, sinh viên.
Bộ Giáo dục Singapore mới đây thông báo cho phép học sinh sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm trong học tập; đồng thời, đào tạo giáo viên cách làm chủ các công cụ AI.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều học giả trên thế giới lo ngại về sự nguy hiểm của ChatGPT cũng như nhiều cơ sở giáo dục đã cấm học sinh sử dụng phần mềm này.
Tuy nhiên, tại Singapore, các chuyên gia giáo dục, giảng viên các trường đại học bày tỏ ủng hộ việc sử dụng ChatGPT như một công cụ học tập.
PGS Brian Lee, giảng viên Chương trình Truyền thông tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS), cho biết ChatGPT có thể cung cấp cho giáo viên các tài liệu tham khảo theo cách hệ thống, chắt lọc hơn trước đây. Từ đó, giáo viên có thể tiết kiệm thời gian nghiên cứu và tìm kiếm tài liệu.
Tương tự, ông Brian hy vọng học sinh, sinh viên cũng sẽ có kỹ năng tra cứu và thu thập tài liệu hiệu quả từ ChatGPT. Sau khi có nguồn thông tin từ ChatGPT, giáo viên và học sinh, sinh viên có thể xử lý và phân tích độ chính xác, nội dung của các kết quả thu được, thay vì chỉ sử dụng chúng một cách thụ động.
“Tôi tin rằng, công cụ này có thể giúp xây dựng ‘lớp học đảo ngược’, trong đó học sinh, sinh viên phải thảo luận về các chủ đề bài học thay vì nhồi nhét kiến thức”, PGS Brian Lee chia sẻ.
Chuyên gia cho biết thêm, theo thời gian, hoạt động này có thể giúp chuyển đổi văn hóa giáo dục, giúp học sinh thoát khỏi tình trạng học vẹt để hướng tới tư duy phản biện và làm việc nhóm.
Đồng tình với quan điểm trên, giảng viên Jonathan Sim, Khoa Triết học, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), dẫn chứng khảo sát cho thấy khi giảng viên yêu cầu sinh viên tìm tài liệu từ ChatGPT, các em đã đặt lại câu hỏi cho người dạy vì không hiểu rõ câu trả lời AI đưa ra.
Theo ông Sim, các trường đại học có thể đưa ra định hướng chung về việc sử dụng ChatGPT. Đơn cử, các giảng viên có thể yêu cầu sinh viên làm bài, “nhờ” các công cụ AI đánh giá chất lượng của bài tập để rút kinh nghiệm. Hoặc sinh viên có thể học cùng các công cụ AI như một người bạn.
PGS Barre Sherwood, giảng viên môn Viết sáng tạo tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), gợi ý sinh viên có thể sử dụng ChatGPT để so sánh các đoạn văn do con người và chatbot tạo ra; chọn ra các yếu tố tạo nên văn bản hấp dẫn.
“Các văn bản được tạo ra bởi ChatGPT tương đối chính xác về ngữ pháp, chính tả, cấu trúc nhưng thiếu sức sống. Trong các đoạn văn không có điểm nhấn, chi tiết kỳ lạ, sự biến đổi cảm xúc hay các ý tưởng táo bạo như các đoạn văn do con người tạo nên”, ông Barrie phân tích.
Coi AI như một công cụ học tập, song các học giả cũng ghi nhận tình trạng người dùng “đạo văn” từ ChatGPT và khuyến nghị tìm ra phương pháp để ngăn chặn gian lận. Đơn cử, các trường cần tăng cường sử dụng phần mềm, công cụ chống đạo văn hoặc phát hiện các văn bản viết bằng AI.
Về vấn đề này, Giáo sư Jonathan Sim bày tỏ không lo lắng về việc sinh viên gian lận bằng AI, thay vào đó, điều cần quan tâm là tại sao các em lại chọn gian lận. Cùng với đó, giảng viên cần giáo dục sinh viên về tính trung thực, liêm chính và minh bạch trong học tập và thi cử.