Theo các nhà chức trách Pháp, kẻ tấn công là Ziyed Ben Belgacem, người Pháp, 39 tuổi, từng "lọt tầm ngắm" của cảnh sát và các cơ quan tình báo. Sinh tại Paris, y có nhiều tiền án hình sự về tội cướp có vũ trang, buôn bán ma túy, bạo lực. Năm 2001, y bị kết án 5 năm tù vì tội cướp có vũ trang, và tiếp tục bị bắt giam năm 2009 vì tội buôn bán ma túy.
Công tố viên Paris Francois Molins cho biết, Belgacem thể hiện những dấu hiệu bị cực đoan hóa trong giai đoạn ngồi tù vào năm 2011 và 2012. Cảnh sát từng lục soát nhà y vào năm 2015 vì nghi ngờ y có liên kết với Hồi giáo cực đoan, nhưng không có bằng chứng buộc tội nào được tìm thấy.
Cuộc tấn công xảy ra như thế nào?
Belgacem đã bị cảnh sát chặn lại vào khoảng 6 giờ 55 khi đang lái xe ở Garges-les-Gonesse. Y rút súng bắn vào cảnh sát khiến 1 người bị thương nhẹ trước khi bỏ chạy. Y ăn cắp một chiếc xe khác ở ngoại ô Vitry, cách sân bay Orly khoảng 10km. Ở Vitry, y xông vào một quán bar, đe dọa và nổ súng nhưng không làm ai bị thương.
Tiếp đến, Belgacem đến sân bay Orly, khống chế một nữ cảnh sát đang đi tuần cùng với 2 đồng nghiệp nam vào lúc 8 giờ 22. Y gí súng vào đầu và buộc nữ cảnh sát đưa vũ khí. "Để vũ khí xuống, giơ tay lên đầu. Tao đến đây để chết vì Thánh Allah", y nói với nữ cảnh sát. Y cố gắng giật lấy khẩu súng trường của cô và thành công. Nữ cảnh sát này lập tức ngồi xuống, tạo cơ hội cho đồng nghiệp bắn y. Y cố gắng sử dụng cô làm lá chắn, nhưng đã trúng đạn ở phát súng thứ ba.
Sau khi bị tiêu diệt, cảnh sát tìm thấy y đã mang theo một lon xăng trong ba lô. Y cũng sở hữu một súng lục 9mm, 750 EUR, một bản sao kinh Koran. Cảnh sát cũng lục soát căn hộ của Belgacem ở ngoại ô Garges-les-Gonesse, đông bắc Paris, trong khu vực đa sắc tộc Seine-Saint-Denis và tìm thấy một con dao cạo và vài gam cocaine.
Cảnh sát tuần tra sân bay Orly sau vụ tấn công của Belgacem. Ảnh: AFP
Hỗn loạn sân bay
Vụ việc khiến tất cả các chuyến bay ra, vào sân bay Orly sáng 18-3 bị hủy. Khoảng 3.000 hành khách được sơ tán khỏi nhà ga phía nam, nơi xảy ra vụ tấn công, trong khi cảnh sát dò tìm chất nổ. Theo Giám đốc sân bay Eric Heraud, tổng cộng 178 chuyến bay đã bị hủy - khoảng 1/3 số chuyến đến hoặc rời khỏi Orly - một số chuyển hướng đến sân bay Charles de Gaulle ở phía bắc Paris. "Khoảng 5.000- 6.000 hành khách bị ảnh hưởng", ông Heraud cho biết. Sân bay đã hoạt động trở lại vào buổi chiều.
Pháp vẫn là mục tiêu
Hơn 230 người thiệt mạng trong 2 năm qua do những kẻ tấn công có liên quan đến IS thực hiện tại Pháp. Pháp hiện vẫn trong tình trạng khẩn cấp sau vụ tấn công xe tải ở Nice hồi tháng 7-2016. Tháng 2 vừa qua, một người đàn ông Ai Cập bị bắn sau khi tấn công một người lính bên ngoài bảo tàng Louvre ở Paris đồng thời hô to "Allahu Akbar" (Thượng đế vĩ đại nhất). Gần đây nhất, hôm 16-3, một quả bom thư phát nổ tại văn phòng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Paris, khiến một thư ký bị bỏng tay và mặt.
Vào ngày 23-4 tới, Pháp sẽ tiến hành vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống hai giai đoạn, trong đó an ninh là một trong những vấn đề chính mà cử tri quan tâm. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết chính phủ của ông "quyết tâm chống chủ nghĩa khủng bố, bảo vệ an ninh và bảo vệ đất nước". Nhưng các vụ tấn công gần đây sẽ gây ra những tranh cãi chính trị. Ứng viên tổng thống đảng bảo thủ Francois Fillon cho rằng, Pháp đang trong tình trạng "nội chiến ảo" và không có lý do gì để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hiện nay.
Theo ứng cử viên cánh tả Marine Le Pen, cái chết của kẻ tấn công sân bay Orly, đã ngăn cản một "vụ thảm sát có thể xảy ra". "Chính phủ của chúng ta bị choáng ngợp, choáng váng, tê liệt như một con thỏ trước đèn pha", bà nói trong một cuộc mít-tinh bầu cử.