Thương vong lớn
“Hoạt động an ninh tại khu phức hợp Dusit đã kết thúc và tất cả những kẻ khủng bố đã bị loại bỏ”, Tổng thống Kenya, ông Uhuru Kenyatta tuyên bố với giới truyền thông. Hơn 700 người đã được sơ tán an toàn trong cuộc tấn công.
Đoạn clip từ camera giám sát cho thấy khoảnh khắc một trong những kẻ tấn công tự kích nổ một chiếc áo chứa bom, trong phòng giải trí của khách sạn, để lại làn khói cuồn cuộn và đám đông đang bỏ chạy tán loạn. Ngay trước khi ông Kenyatta tuyên bố vụ tấn công kết thúc, tiếng nổ vẫn có thể được nghe thấy tại hiện trường.
Nhà chức trách tìm thấy thêm 6 thi thể ở hiện trường, đưa số người thiệt mạng lên 21, trong đó có 16 người Kenya, một người Anh, một người Mỹ và ba người châu Phi không rõ quốc tịch. 28 người khác bị thương.
Trong số những người thiệt mạng trong vụ tấn công có Jason Spindler, một người Mỹ sống sót sau các cuộc tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001. Ông là người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của I-DEV International, một công ty tư vấn về chiến lược kinh doanh cho các thị trường mới nổi. Người Anh thiệt mạng trong vụ tấn công là Luke Potter, người đầu tư lâm nghiệp và trà hàng đầu ở Kenya.
Thời khắc kinh hoàng
Theo camera giám sát, một số tay súng không xác định tấn công vào khu phức hợp, khiến nhiều người bị mắc kẹt trong các khu vực khác nhau của các tòa nhà nhiều giờ sau đó. Cảnh quay camera cho thấy ít nhất ba người đàn ông có vũ trang, mặc quần áo tối màu và với khuôn mặt không che chắn, di chuyển qua khu nhà. Một vụ nổ khiến ba phương tiện trong bãi đậu xe bị xé nát, sau đó là một vụ nổ tự sát trong phòng giải trí của khách sạn Dusit, Boinnet.
Đám đông trong những bộ trang phục dính máu chạy trốn một cách hỗn loạn, trong lúc các sĩ quan vũ trang hộ tống nhân viên văn phòng đến nơi an toàn. Ngọn lửa trong bãi đậu xe tiếp tục hoành hành, khói bốc lên từ các tòa nhà trong khu phố Westlands giàu có của Nairobi. “Khi chúng tôi rời đi, có tiếng súng nổ khắp nơi” - Evans Ng"ong"a, người có mặt trong khu phức hợp nói - “Những kẻ tấn công đã nhảy qua hàng rào và bắt đầu nã đạn sau vụ nổ”.
Alice Mwanza, 26 tuổi, làm việc trong khu phức hợp trong một tòa nhà gần khách sạn, là một trong những người bị mắc kẹt trong nhiều giờ khi vụ tấn công diễn ra. “Lúc đó, khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi nghe thấy một vụ nổ và ngay lập tức thấy khói qua cửa sổ văn phòng” - cô nói - “Khi chúng tôi đi cầu thang xuống tầng trệt, đã thấy có người thiệt mạng nằm đó, tiếng súng mỗi lúc một dồn dập”. Nhóm của Mwanza đã phải trú ẩn bên trong một phòng thu cách âm và được cảnh sát và nhân viên Hội Chữ thập Đỏ giải cứu hơn ba giờ sau đó.
David Mureithi kể lại việc anh và những người khác được nhân viên an ninh văn phòng thông báo phải chạy trốn qua cửa hậu, sau khi nghe tiếng nổ. “Chúng tôi nghe thấy tiếng súng ngày càng gần và nhanh hơn”, anh nhớ lại. Hai đồng nghiệp của Mureithi đi ăn trưa ngay trước đó đã bị giết. “Tạ ơn Chúa, tôi đã sống sót. Tôi đã xem tin tức và vẫn còn thấy hoảng sợ”.
Al-Shabaab nhận trách nhiệm
Tổng thống Uhuru Kenyatta ca ngợi các dịch vụ an ninh của Kenya vì phản ứng nhanh chóng của họ. “Ưu tiên hoạt động của các dịch vụ an ninh trước hết là bảo vệ cuộc sống người dân”, ông Kenyatta nói. Còn ông Abbas Gons, Tổng Thư ký Hội Chữ thập Đỏ Kenya, cũng hoan nghênh nỗ lực giải cứu. “Để cứu hơn 700 người an toàn khỏi hiện trường là cả một vấn đề. Các nhân viên đã làm rất tốt những gì cần thiết nhất”, ông phát biểu.
Hội Chữ thập Đỏ ở Nairobi đã phát động một điểm truyền máu và kêu gọi cộng đồng quyên góp để hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân; đồng thời thiết lập một đường dây nóng để cung cấp tư vấn và kết nối những người đang tìm kiếm người thân.
Nhóm phiến quân Hồi giáo Somalia Al-Shabaab đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công; tuyên bố đây là sự trả đũa trước quyết định năm 2017 của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Nhóm phiến quân này nhắm vào các mục tiêu là “lợi ích của phương Tây và Zion (chủ nghĩa Do Thái) trên toàn thế giới”, để “ủng hộ các gia đình Hồi giáo ở Palestine”.
Vụ tấn công xảy ra sau ba năm kể từ khi phiến quân Al-Shabaab nhắm vào một căn cứ quân sự Kenya ở Somalia, giết chết hàng chục binh sĩ.
Năm 2013, phiến quân Al-Shabaab nhắm vào trung tâm mua sắm xa xỉ Westgate, khiến 67 người thiệt mạng. Các tay súng cũng sát hại gần 150 người, hầu hết là sinh viên, trong một cuộc tấn công vào Trường ĐH Garissa ở Kenya hồi tháng 4/2015.