Mùa Đông năm 1740, trên bờ sông Neva hùng vĩ ở Nga xuất hiện một lâu đài tráng lệ bằng băng. Nó cao gần 10m, rộng gần 20m nhưng không phải kiến trúc để chiêm ngưỡng, mà là địa ngục đày đọa một thần tử dám trái lời nhà thống trị máu lạnh – Sa hoàng Anna Ioannovna (1693 – 1740).
“Nữ hoàng góa bụa”
Anna Ioannovna là con gái của Sa hoàng Ivan V (1666 - 1696), được hứa gả cho Frederick William (1692 - 1711), công tước xứ Courland. Ngày 11/11/1710, khi Anna 17 tuổi và William 18 tuổi, đám cưới linh đình đã được tổ chức tại Kinh đô St. Petersburg, Nga. Tuy nhiên, trên đường rước dâu trở về Công quốc Courland, William qua đời vì… say rượu quá độ vào ngày 21/1/1711.
Ngày 4/3 cùng năm, Anna và thi thể chồng đến Courland. Vì góa bụa và cô độc giữa đất nước xa lạ, Anna liên tiếp viết thư cho hoàng thúc vốn là Sa hoàng đương nhiệm, Peter I (1672 – 1725), cầu xin ông tìm kiếm cho mình mối hôn sự khác.
Bất kể Anna thỉnh cầu thế nào, Sa hoàng Peter I cũng tìm được lý do từ chối. Có người cho rằng, ông vốn không ưa cô cháu gái này, cũng có người cho rằng ông muốn ngăn chặn việc có thêm người kế vị.
Song, nguyên nhân chắc chắn nhất là Sa hoàng muốn giữ quyền kiểm soát đối với Courland. Bởi vì, nếu Anna tái hôn, ông buộc phải buông bỏ công quốc này.
Sau nhiều năm thỉnh cầu bất thành, Anna đành chấp nhận cuộc sống góa bụa, tìm niềm vui cuộc sống trong việc làm mai mối cho thần dân Courland. Năm 1730, Peter II, người thừa kế của Sa hoàng Peter I qua đời. Vì Peter I không còn con, cháu nào khác, Anna được đón về Nga kế vị.
Trong vai trò Sa hoàng mới, Anna được kỳ vọng sẽ là nữ vương nhân ái, biết lắng nghe ý kiến của quần thần. Tuy nhiên, bà đã lập tức thể hiện sự độc đoán, tàn nhẫn khiến mọi người phải sợ sệt và nạn nhân xấu số nhất của bà là Công tử Mikhail Golitsyn.
“Nữ hoàng góa bụa” Anna Ioannovna (1693 – 1740). Ảnh: Rbth.com |
Tình yêu hóa thành tội nghiệt
Mikhail Golitsyn là con trai của nhà Golitsyn, một trong 4 gia đình quý tộc lớn nhất nước Nga. Chàng được hưởng cuộc sống nhung lụa từ nhỏ và, trong một chuyến ngao du Địa Trung Hải khi đã thành niên, chàng gặp gỡ và “nhất kiến sinh tình” với một thiếu nữ Ý xinh đẹp.
Thời đại này, người Nga theo Chính thống giáo còn người Ý theo Công giáo. Thiếu nữ Ý nọ chỉ đồng ý kết hôn với Mikhail nếu chàng cải đạo. Vì tình yêu, Mikhail sẵn lòng từ bỏ Chính thống giáo, tuyên thệ tận trung với Giáo hoàng Rome.
Tuy thích làm “bà mai” cho thần dân, nhưng Sa hoàng Anna cực kỳ ghen ghét những ai dám hy sinh vì tình yêu. Chỉ mới từ chối chỉ định kết hôn của bà, người được bà làm mối đã phải trả giá đắt. Mikhail thì không chỉ tự ý chọn người yêu, mà còn vứt bỏ tôn giáo vì tình yêu.
Trong mắt “nữ hoàng góa bụa”, chàng lập tức trở thành tội đồ đáng bị trừng phạt nặng nhất. Việc đầu tiên mà Sa hoàng Anna làm là hủy bỏ đám cưới của Mikhail. Bà trục xuất (hoặc lưu đày) thiếu nữ Ý nọ, tước bỏ địa vị, tịch thu đất đai, tài sản của Mikhail và biến chàng thành “thằng hầu kiêm thằng hề”.
Suốt ngày, Mikhail phải quỳ trong chiếc giỏ đặt cạnh bàn làm việc của Sa hoàng Anna, rót nước hầu bà và diễn trò “gà đẻ trứng” để mua vui cho quan khách. Không dừng lại ở đó, Sa hoàng còn nhanh chóng tìm cho chàng một cô dâu mới xấu nhất toàn quốc là Avdotya, đồng thời chuẩn bị tổ chức tiệc cưới cực kỳ quy mô với mục đích chế giễu và thị chúng.
Địa điểm tân hôn của Mikhail là “cung điện băng” được xây dựng bên bờ sông Neva. Mùa Đông ở Nga, nhiệt độ xuống đến âm 40 độ C, vạn vật đều bị đóng băng, bao gồm cả nước sông Neva.
Sa hoàng Anna ra lệnh cho quân lính cắt những khối băng dày 3 feet (khoảng 1m), nặng khoảng 120kg, xếp chồng lên nhau và phun nước để gắn lại thành tòa nhà cao 30 feet (khoảng 9m) và rộng 60 feet (khoảng 18m).
Như mọi lâu đài, tòa nhà này cũng có lan can, cầu thang, hàng cột được chạm khắc, trang trí tỉ mỉ, tinh tế. Phòng ngủ của nó có đủ từ giường đến gối, nệm, thậm chí cả rèm treo cửa sổ, chỉ là tất cả đều bằng băng.
Ngày 6/2/1740, cặp đôi bất hạnh Mikhail và Avdotya bị ép mặc trang phục thằng hề lòe loẹt, tiến hành đầy đủ các nghi thức cưới xin ở nhà thờ và đưa ra ngoài đường lớn. Chờ đợi họ là con voi với cái lồng to, trang trí lộng lẫy đặt trên lưng. Quân lính Nga nhấc họ lên, nhét vào trong lồng và “rước” đến “cung điện băng”. Toàn bộ các gia tộc ở Nga đều phải cử đại diện tham dự đám cưới và tham gia đám rước này.
Sau khi chứng kiến cặp đôi tội nghiệp bị đẩy vào phòng ngủ trong “cung điện băng”, Sa hoàng Anna thỏa mãn quay trở lại cung điện bằng đá và gỗ của bà, nghỉ ngơi trên chiếc giường ấm áp cạnh lò sưởi. Màn đêm buông xuống, Mikhail và Avdotya rét run lập cập. Trước đó, họ đã bị lột sạch quần áo và thúc giục “động phòng”.
Vì sức khỏe yếu, Mikhail rơi vào trạng thái mê sảng và bất tỉnh. Nhận thấy chồng gặp nguy hiểm, Avdotya đánh liều gỡ chiếc vòng cổ bằng ngọc trai, vật duy nhất mà lính canh cho phép nàng đeo trên người mang vào phòng ngủ băng vì là món quà cưới từ Sa hoàng Anna, đút lót cho kẻ đang đứng canh để đổi lấy chiếc áo lông thú. Với chiếc áo này, nàng giữ ấm được cho chồng và bản thân.
Sáng ra, vợ chồng Mikhail – Avdotya sống sót chui ra khỏi lâu đài. Ngày 28/10 cùng năm, Sa hoàng Anna băng hà vì sỏi thận. Người kế vị bà, Sa hoàng Anna Leopoldovna (1718 – 1746) vừa lên ngôi đã giải thoát cho Mikhail và Avdotya. Hai người họ quyết định duy trì quan hệ vợ chồng. Năm 1742, Avdotya qua đời sau khi sinh đứa con thứ 2.