Khi nào nên dùng thuốc Tamiflu điều trị bệnh cúm?

GD&TĐ - Liên quan đến việc người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh khuyến cáo người dân không nên tự ý đi mua thuốc để điều trị bệnh cúm.

Không tự ý dùng thuốc Tamiflu (internet).
Không tự ý dùng thuốc Tamiflu (internet).

Điều này được ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Vì thuốcTamiflu không phải là thuốc điều trị đặc hiệu duy nhất điều trị cúm mà chỉ hỗ trợ điều trị. 

Cần phát hiện sớm

Biện pháp quan trọng nhất trong phòng và điều trị cúm là nâng cao thể trạng, sức khỏe bằng cách ăn uống, vận động hợp lý.

Theo chỉ đạo của Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, các cơ sở y tế cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh cúm tại bệnh viện.

Triển khai việc thu dung người bệnh, khám sàng lọc, phân luồng, phân loại cúm để cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm ngay tại khoa khám bệnh.

Ông Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết: Thuốc Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75 mg) là thuốc được sử dụng trong điều trị cúm.

Tuy nhiên, thuốc này không được sử dụng tùy tiện mà được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi và khi có chỉ định của bác sỹ. Người dân không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ

Bộ Y tế cũng khẳng định, tại Việt Nam chưa ghi nhận chủng vi rút cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người. Các chủng vi rút cúm được ghi nhận chủ yếu là vi rút cúm A(H1N1) và vi rút cúm B.

Để phòng chống dịch cúm, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh cúm, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể.

Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ