Tâm trạng của tôi có chút không thoải mái vì nghe nhiều những thông tin như vậy.
Một số phụ huynh kêu than: chương trình học bây giờ quá nặng, học sinh phải học nhiều môn, con tôi mới vào lớp Một, suốt ngày bị cô giáo phê bình là không biết đọc, viết chữ xấu
Một số người có chút hiểu biết về giáo dục nước ngoài thì chê bai chương trình giáo dục của nước nhà rằng “ở nước ngoài, giáo dục của họ nhẹ nhàng, học sinh học như đi chơi, vừa học vừa chơi. Giáo viên của họ đối với học sinh rất nhẹ nhàng.
Họ còn dẫn chứng ra rằng “ở nước ngoài, học sinh được dành cả tháng đầu chỉ để học về ứng xử chứ không phải cắm cúi trên những trang vở viết”
Mọi người, đem tất cả những stress của mình phải chịu đựng trút lên những người làm giáo dục và chương trình giáo dục hiện hành.
Nói không ngoa, những ngày này, sau câu chuyện thi cử ở một số tỉnh thành và câu chuyện xoay quanh chủ đề lớp Một, chúng ta thấy chới với trong nỗi buồn của ngành, nỗi cô đơn của kẻ độc hành trên một chặng đường gian nan đầy thử thách.
Ở chương trình tiểu học hiện hành, hiểu một cách đơn giản là sau khi học xong lớp Một, học sinh phải biết đọc và biết viết, biết tính toán trong phạm vi một trăm với phép tính cộng trừ và giải một số bài toán có lời văn đơn giản liên quan đến các phép tính đó.
Ai là người đòi hỏi các con phải biết đọc, phải học trước khi bước chân vào lớp Một? Nhiều sở giáo dục cũng như Bộ đã có những quy định ban hành để cấm tình trạng dạy trước đầu vào lớp Một. Các trường mầm non cũng không được dạy học sinh tập tô chữ cái, chỉ được cho học sinh dùng màu để tô tranh cho dẻo tay.
Tất cả đều vì thế hệ tương lai |
Vậy phụ huynh kêu ca là vì đâu? Tất cả là vì căn bệnh ăn sâu bám rễ trong lòng chúng ta - bệnh thành tích. Nhiều thầy cô băn khoăn hoặc lo lắng trước những kết quả tốt hơn của học sinh khác sinh ra những nhận xét không cần thiết, không đúng lúc dành cho học sinh của mình khiến cho phụ huynh có cái nhìn sai lệch về yêu cầu của lớp Một.
Một số phụ huynh sốt ruột trước sự tiến bộ của con so với bạn bên cạnh mà nhiều khi không nhìn nhận thấu đáo mốc kiến thức con có được từ trước. Rằng con mới học đến chữ a, biết đọc chữ a, họ lại nhìn thấy cháu khác biết chữ “m” mà sinh ra ép con phải chạy đua cho bằng bạn. Họ vì điều gì? Vì sự lo lắng của cá nhân, và đôi khi vì chính lòng ích kỉ của mình mà quên mất rằng, đứa trẻ ấy cần được chơi, khả năng tiếp thu của con chỉ ở mức độ như thế, và vì thế, những đứa bé vô hình chung trở thành cỗ máy
để thực hiện những mong ước của người lớn.
Giáo dục là cả một quãng đường rất dài và gian khó. Bạn chỉ cần nhìn một đứa trẻ trong gia đình bạn lớn lên, thay đổi tâm sinh lí từng ngày từng giờ thì bạn sẽ thấy làm giáo dục khó khăn và vất vả như thế nào. Ngưỡng của lớp Một là rất quan trọng, nó khiến đứa trẻ yêu thích hay không việc đến trường. Mỗi quốc gia đều có một đặc thù riêng về nền tảng cơ sở, nếu chúng ta đòi hỏi ở Việt Nam giáo viên phải ôm lấy từng đứa trẻ và làm giống như một người mẹ chăm sóc đứa bé của riêng mình thì liệu có quá sức không khi đầu vào lớp Một của một số nơi lên đến 50 học sinh một lớp? Thầy cô liệu có đủ thời gian, đủ sức khỏe để làm việc với từng cháu như bạn với con của bạn?
Đành rằng, thầy cô phải có tình yêu và lòng kiên nhẫn, nhưng họ cũng chỉ là con người, quan tâm cá biệt đến một vài cháu cá biệt trong một lớp 40- 50 cháu đã là sự cố gắng. Sau giờ dạy, với đồng lương ít ỏi, không ít người trong số đó còn phải tất tả mưu sinh để lo đầy nồi cơm cho lũ con của mình.
Giáo dục đã cố gắng, thầy cô cũng nhiều người đổi mới, tại sao những hình ảnh hay những câu chuyện đẹp, chúng ta không chia sẻ hay động viên, mà chỉ thấy những tiếng than thở, trách móc đổ lên đầu các thầy cô, đổ lên đầu một ngành
Khi có một hình ảnh xấu nào đó liên quan đến người trong ngành giáo, người ta sẵn sàng giật cái tít để câu like “cô giáo bị đánh ghen vì ngủ với ông hàng xóm” – Tại sao học không giật tít “Một phụ nữ ngủ với chồng hàng xóm bị đánh ghen” ? và sau đó, trên Face là những chia sẻ, những tiếng chửi không thương tiếc.