Tâm thức vọng cố hương

GD&TĐ - Quỳnh Iris de Prelle (từng có bút danh Như Quỳnh de Prelle) là nhà thơ thuộc thế hệ 8X, đang sống tại Brussels, Vương quốc Bỉ.

Gương mặt quê hương hiện lên với nhiều dạng vẻ khác nhau trong tập thơ 'Tiếng Việt' của tác giả Quỳnh Iris de Prelle . Ảnh: Facebook nhân vật
Gương mặt quê hương hiện lên với nhiều dạng vẻ khác nhau trong tập thơ 'Tiếng Việt' của tác giả Quỳnh Iris de Prelle . Ảnh: Facebook nhân vật

Dòng văn học được sinh thành bởi các nhà văn gốc Việt, sống và làm việc tại nước ngoài quy tụ những gương mặt tiêu biểu có sức sáng tạo dồi dào như Thuận, Linda Lê, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Phan Quế Mai…

Qua sáng tác, họ vẫn đau đáu hướng về quê hương bản quán, thể hiện nỗi hoài nhớ con người, phong tục tập quán được hình thành từ bao đời và trở thành niềm tự hào của dân tộc. Quỳnh Iris de Prelle là một trong số những thi sĩ hải ngoại mang tâm thức đó.

Quỳnh Iris de Prelle (từng có bút danh Như Quỳnh de Prelle) là nhà thơ thuộc thế hệ 8X, đang sống tại Brussels, Vương quốc Bỉ. Chị xuất hiện trên thi đàn với một số tác phẩm như “Song tử”, “Buổi sáng phủ định”, “Người mang nước”, “Biến đổi khí hậu”, “Nỗi buồn trên cây” (được chuyển thể thành kịch bản phim ngắn).

Gần nhất, năm 2021, tập thơ “Tiếng Việt” của chị (do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành) chính thức trình làng. Tập này tập hợp những bài thơ (cuối sách có vài tác phẩm văn xuôi) tác giả viết chủ yếu ở nước ngoài, trong một giai đoạn đáng nhớ nhất của thế giới: Đại dịch Covid-19 diễn ra và khiến cho nhân loại phải điêu đứng, mọi hoạt động ngưng trệ.

Sự kiện không mong đợi đó đã thôi thúc các tác giả cầm bút sáng tác, vừa phản ánh hiện thực, vừa bày tỏ quan điểm, tâm tư tình cảm của người viết. Với Quỳnh Iris de Prelle nói riêng và các nhà văn hải ngoại khác nói chung, hoàn cảnh đó càng làm dấy lên nỗi niềm hướng về cố quốc.

Hình bóng quê hương

“Quê hương là gì hở mẹ?

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ?

Ai đi xa cũng nhớ nhiều”

(Đỗ Trung Quân)

“Quê hương là gì?” - câu hỏi ấy không quá khó để trả lời, song có lẽ cứ canh cánh mãi trong lòng những người di dân. Trong tư tưởng lẫn trong văn chương của họ thường tồn tại trạng thái “nước đôi”, một mặt chấp nhận cuộc sống hiện tại ở một đất nước xa lạ vốn không phải nơi chôn nhau cắt rốn, một mặt lại khắc khoải nỗi nhớ quê hương. Cảm thức đó cứ đeo đẳng trong thơ của Quỳnh Iris de Prelle.

Đọc tập thơ “Tiếng Việt”, ta dễ dàng nhận thấy gương mặt quê hương hiện lên với nhiều dạng vẻ khác nhau. Quê hương Việt Nam - trong tâm tưởng của Quỳnh Iris de Prelle - chính là vẻ đẹp của cảnh sắc núi non hùng vĩ và thơ mộng dọc ba miền đất nước, là ngôi làng nơi chị được sinh ra và gắn bó những năm tháng ấu thơ, là những con người hiền lương, chất phác.

Cũng như những người con được sinh ra từ làng, vẻ đẹp của làng mạc trù phú trở nên lung linh trong tâm tưởng của họ khi cách xa. Đọc thơ của chị, người đọc mấy lần đắm chìm vào khung cảnh trầm mặc và dân dã của ngôi làng mang tên Mỹ Hào:

“làng Mỹ Hào

bên dòng sông

những cánh đồng lúa gạo xanh bát ngát có năm mùa đói hạt”;

Và: “tôi sẽ về làng cổ xưa Mỹ Hào

nơi tôi sinh ra”…

Có lẽ ngôi làng này chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong trái tim của tác giả. Làng Mỹ Hào qua hồi tưởng của Quỳnh Iris de Prelle vừa là ngôi làng của riêng chị, vừa mang dáng dấp của những ngôi làng khác giàu truyền thống văn hóa, có mặt trên khắp quê hương đất nước Việt Nam.

Một cảnh sắc quen thuộc với cổng làng, đình làng, cây đa, bến nước, lũy tre xanh:

“những hàng tre xanh bao bọc

quê nhà

những triền đê ngập mặn

những cánh đồng cói bạt ngàn”

và: “bãi cỏ xanh mượt

những hàng dừa nghiêng nghiêng theo bờ kênh

con đường đi học về”…

Những cảnh vật đó có mặt ở khắp nơi trên đất nước ta, song đã trở thành nỗi nhớ thương da diết trong lòng người con xa xứ.

Âm thầm và dịu dàng, Quỳnh Iris de Prelle như một bông hoa sen tinh khiết nương thân nơi đất Bỉ cùng những sáng tác mang tấm lòng sâu nặng với Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Facebook nhân vật

Âm thầm và dịu dàng, Quỳnh Iris de Prelle như một bông hoa sen tinh khiết nương thân nơi đất Bỉ cùng những sáng tác mang tấm lòng sâu nặng với Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Facebook nhân vật

Trong rất nhiều bài thơ - tập thơ “Tiếng Việt”, Quỳnh Iris de Prelle đã hồi cố về những phong tục tập quán cổ truyền ra đời từ lâu trên đất nước Viêt Nam. Trên bước đường di dân từ Việt Nam sang “trời Tây” với biết bao ước mong, khát vọng, không ai không nhớ đến ngày Tết Nguyên đán - dịp để họ hàng đoàn tụ sum vầy. Với Quỳnh Iris de Prelle, Tết là cả một phạm trù triết học, là “căn cước văn hóa” để chị không bị “bật gốc” dù đang sống cách Việt Nam hàng vạn dặm:

“Triết học của Tết

sinh sôi

tương hợp

mùa Xuân

đa đoan

nhiều ước vọng

nảy mầm mới”

Để thể hiện tinh thần dân tộc và tấm lòng khôn nguôi hướng về những nét đẹp văn hóa cố quốc, Quỳnh Iris de Prelle đã khéo léo đan cài các ký hiệu văn hóa vào thơ. Đọc thơ chị, người đọc nhận ra không khí huyền thoại phảng phất từ cõi xa của văn học, văn hóa dân gian. Đó là:

“dấu ấn xưa Núi Đọ Đông Sơn

Mai An Tiêm đi tìm trái ngọt

trên cát mặn phù sa”

gợi nhắc câu chuyện Mai An Tiêm và nguồn gốc của quả dưa hấu. Là: “bảo tàng Chăm/ đã trở thành nơi thánh đường đáng sống nhất” gợi nhắc vẻ đẹp của một thời vàng son của Vương quốc Chăm Pa, nay chỉ còn là vết tích; là “những trang văn cổ ngân nga từ bà ngoại” lưu giữ ký ức của thời gian…

Những thao thức tiếng Việt

Không sống trên dải đất hình chữ S thân thương, hằng ngày, hằng giờ phải sử dụng ngôn ngữ khác để giao tiếp với những người không cùng sắc tộc, thế nhưng, Quỳnh Iris de Prelle vẫn mang trong tim những thao thức tiếng Việt.

Trong nhận thức của chị, tiếng Việt cũng là thứ “căn cước” để chị tìm về gốc rễ của mình. Đó là lý do vì sao mà chị lại chọn “Tiếng Việt” làm nhan đề cho tập thơ chất chứa khối lượng lớn giá trị văn hóa làm “dấu chỉ” và tâm thức vọng cố hương dẫn lối đưa đường. Bằng những lời tự sự chân thành, dung dị, Quỳnh Iris de Prelle đã thuật lại trong thơ hành trình đến với tiếng Việt của mình.

Đó là ngôn ngữ mẹ đẻ mà từ thuở ấu thơ, chị đã:

“tập nói hàng ngày

tôi bắt đầu đọc những bản Việt ngữ

không gia đình/ và những người khốn khổ”

Những người thân yêu đã dạy chị tiếng Việt - niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là dấu mốc cho sự phát triển của dòng chảy văn hiến vốn đã có từ nghìn đời nay:

“tôi được học tiếng Việt từ ông ngoại

viết những lá thư

tin tức từ những bản Việt ngữ từ radio”

và “tiếng Việt truyền thống văn hóa dân gian từ mẹ”…

Đối với chị, trong tiếng Việt chất chứa tất cả những tinh túy của dân tộc mình. Tiếng Việt đã cất giữ những miền văn hóa lung linh của đất nước. Đó là đôi cánh đưa chị đến với thơ:

“tiếng Việt kết nối tôi

giữa những ngôn ngữ khác

thi ca tiếng Việt khởi sinh tôi

giọng đọc tiếng Việt nuôi dưỡng tôi”

Là cội nguồn của yêu thương, cội nguồn của sự sống:

“tiếng Việt yêu thương

tiếng Việt chở che

tiếng Việt hiền hòa”

Như nhà thơ Lưu Quang Vũ đã từng viết:

“Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình”

Có cảm giác như trong tâm thức của Quỳnh Iris de Prelle, chị đang nghĩ mình mắc nợ tiếng Việt bởi thứ ngôn ngữ giàu và đẹp ấy đã cho chị rất nhiều thứ, bồi dưỡng tình yêu, chăm chút cho đam mê lớn lên trong tâm hồn của chị. Và cũng tương tự như văn hóa dân tộc, như Tết, tiếng Việt trở thành một phạm trù triết học để chị ấp ủ trọn cả cuộc đời:

“tiếng Việt yêu dấu

bông mai trắng

chạm vào đất nâu

mùa vĩnh hằng”…

Khao khát trở về…

Trong tim Quỳnh Iris de Prelle , Tổ quốc là tất cả! Dù ở đâu chăng nữa, dù đang sống tại Vương quốc Bỉ, chị vẫn luôn ao ước được tìm về chốn xưa, tìm về với những kỷ niệm ấu thời không bao giờ mờ phai trong tâm hồn đã nhiều va vấp:

“Tôi sẽ về thăm nhà cha mẹ

tôi sẽ về thăm bà ngoại và ngôi nhà cũ của ông bà

tôi sẽ ngồi bên mảnh vườn của bố

tôi sẽ nhớ ông ngoại rất nhiều

tôi sẽ về làng cổ xưa Mỹ Hào/ nơi tôi sinh ra”…

Trong đại dịch Covid-19, khi cả thế giới đang điêu đứng vì cơn khủng hoảng bất chợt ập đến, tin tức chết chóc cứ lan truyền mỗi ngày, Quỳnh Iris de Prelle càng thao thức cố hương. Chị hướng lòng mình về với quê hương, về với những con người máu đỏ da vàng, mang trong mình dòng máu anh hùng hào kiệt của thế hệ trước.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, chị cũng có niềm tin vào một ngày mai tươi sáng rực rỡ. Mà điều gì khiến chị có niềm tin như thế, chắc chắn rằng đó là sự bền bỉ, kiên cường được hình thành bên trong mỗi người con nước Việt mến thương:

“Việt Nam ổn phải không?

Tôi biết chúng ta luôn ổn

luôn tích cực

luôn lạc quan

trong những tuyệt vọng hoang mang

trong những kiếm tìm

trong những lúc sống

lên bờ xuống ruộng

bầm dập

như những cuộc rượt đuổi

chính mình”.

Âm thầm và dịu dàng, Quỳnh Iris de Prelle như một bông hoa sen tinh khiết nương thân nơi đất Bỉ, với những đóng góp ý nghĩa cho dòng văn học hải ngoại đương đại, góp phần làm nên vẻ đẹp lộng lẫy của rừng hoa văn chương Việt Nam hôm nay. Trên hết, trong sáng tác của chị vẫn là tinh thần dân tộc cao quý, tấm lòng sâu nặng đối với Tổ quốc Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên dự tập huấn.

STEM 'gieo mầm sáng tạo' cho trẻ mầm non

GD&TĐ - STEAM qua các hoạt động vui chơi và trải nghiệm thực tiễn, giúp trẻ mầm non sáng tạo, kỹ năng khám phá và áp dụng kiến thức phù hợp với lứa tuổi.