Một năm học mới bắt đầu, và điều gì khiến cha mẹ quan tâm nhiều nhất ngoài việc chuẩn bị đồ dùng học tập, chọn trường, chọn lớp cho con? Có không ít bậc cha mẹ đã bỏ qua yếu tố tâm lý và quên mất rằng con cũng cần được chuẩn bị thật tốt về tinh thần và trong suốt cả quá trình học tập con cũng rất cần sự thấu hiểu, cảm thông của cha mẹ.
Nhiều bậc cha mẹ yêu máy tính và công việc mà bỏ bê hoặc không mấy quan tâm đến con cái.
Cô giáo Amie Diprima Brown, hiện đang giảng dạy tại trường trung học cơ sở Cartersville Middle School (bang Georgia, Mỹ) cách đây ít lâu đã đăng một bài viết đầy tâm huyết khiến hàng nghìn bậc phụ huynh trên thế giới phải một lần nữa nhìn lại mình. Chỉ bằng 1 bức ảnh chụp những bức thư của phụ huynh dành cho con thay đổi qua các năm cùng với lập luận sắc bén nhưng đầy tâm huyết, bài viết của cô Brown đã gửi lời nhắc nhở sâu sắc tới cha mẹ học sinh về việc cần quan tâm và thấu hiểu con em mình hơn nữa.
“Tôi bắt đầu đi dạy học từ năm 2003, đến nay tròn 15 năm. Trong suốt từng ấy năm giảng dạy, tôi luôn gửi một bài luận nho nhỏ cho các bậc phụ huynh vào đầu mỗi năm học mới. Đề tài là hãy viết về con mình trong vòng từ 1 triệu từ trở xuống. Mục đích của một người giáo viên như tôi chỉ là muốn tìm hiểu kĩ hơn về những ước mơ, hoài bão, sự lo lắng hay thách thức của những học sinh ở góc độ từng cá nhân mà tôi sẽ tiếp xúc trong năm học mới đó. Và mỗi khi các em có biểu hiện lạ, thay đổi trong học tập hay cách ứng xử, tôi sẽ dựa vào những lá thư của cha mẹ để tìm hiểu nguyên nhân và giúp các em tiến bộ.
Tuần trước, có một trường hợp xảy ra, mẹ của 2 em học sinh trong trường qua đời đột ngột. Ngay lập tức, tôi đã nghĩ đến những bức thư mà mẹ em đã viết về các em hồi đầu năm học và nghĩ đó sẽ là món quà vô giá tôi có thể trao lại cho các em như một kỉ niệm về người mẹ quá cố. Và tôi chợt phát hiện ra một điều khiến tôi vô cùng sốc, những bức thư cha mẹ học sinh gửi lại cho tôi – một giáo viên dạy học cho con họ, quá ít ỏi và số lượng giảm xuống đáng kể kể từ năm học đầu tiên từ khi tôi bắt đầu đi dạy – năm 2003.”
Những bức thư cha mẹ viết về con đã giảm đáng kể sau gần 15 năm phần nào cho thấy tình trạng thờ ơ, không mấy quan tâm con cái của nhiều bậc phụ huynh hiện nay.
Cô Brown cho biết năm 2003, có 98% số phụ huynh gửi lại bài luận cho cô, đó là cả một sấp thư dày với hàng chục lá thư của cha mẹ viết về các con. Nhưng khi nhìn sang sấp thư của năm học 2017, những lá thư ấy đã vơi đi khá nhiều, chỉ có khoảng 22% số phụ huynh gửi lại thư cho cô giáo và cô Brown cảm thấy mình đã mất nhiều cơ hội được tìm hiểu các em học sinh thông qua cha mẹ các em. Điều đáng buồn đó là việc gửi một lá thư cho giáo viên qua các thiết bị điện tử ngày nay khá dễ dàng và không hề tốn quá nhiều thời gian nhưng cha mẹ các em dường như đã thờ ơ và không coi trọng việc làm này.
“Một điều nữa tôi muốn nói đó là tình trạng các em không chịu làm bài tập về nhà. Tỉ lệ học sinh làm bài chỉ đạt 67%. Tôi đã gửi cảnh báo tới các em, nhắn tin cho phụ huynh nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Cách đây 15 năm, tỉ lệ này đạt 98% và khá hiếm có trường hợp học sinh lười làm bài như vậy”, cô giáo cho biết thêm.
Những lời trăn trở của một cô giáo về sự thờ ơ của cha mẹ học sinh đã khiến chúng ta giật mình và suy nghĩ: Phải chăng cha mẹ các em đang đứng ngoài cuộc và không có trách nhiệm gì trong việc giáo dục con em mình? Làm thế nào chúng ta có thể giáo dục trẻ em khi chính cha mẹ lại không mong đợi, quan tâm, nhắc nhở và yêu cầu con mình hoàn thành bài tập về nhà trước khi đến lớp?
Cô Brown hạnh phúc bên 2 con của mình.
Đừng đợi đến khi con bị trầm cảm, tự tử thì cha mẹ mới biết con đã gặp vấn đề và rối loạn tinh thần. Đừng đợi đến khi con thi trượt thì mới quay ra trách móc giáo viên và tra hỏi tại sao con làm không tốt. Hãy nhớ, làm cha mẹ theo đúng nghĩa, hãy cùng con học tập, trải nghiệm, giúp con vượt qua khó khăn, rắc rối với bạn bè, môi trường học tập. Suy nghĩ tiêu cực, nghĩ đến cái chết và những hành động dại dột của con sẽ được xóa bỏ khi con kịp thời nhận được sự quan tâm và thấu hiểu của cha mẹ - những người gần gũi và thân yêu nhất của con.
Cô Brown khẳng định cuối bài viết xúc động của mình: “Tôi đảm bảo, nếu cha mẹ dành nhiều thời gian cùng chia sẻ với con cái thì chúng ta sẽ thấy sự tiến bộ đáng kể trong học tập cũng như cuộc sống của con em mình. Là cha mẹ, công việc của chúng ta là nuôi dạy và phát triển những thế hệ sau tiến bộ và phát triển tuyệt vời hơn. Đó cũng chính là công việc quan trọng nhất trên thế giới này. Một nền giáo dục ổn định, hiện đại và tâm lý vững chắc, cảm xúc hài hòa mà các bậc cha mẹ dành con mới là vô giá”.
Sự quan tâm, thấu hiểu của cha mẹ chính là "liều thuốc" tinh thần vô giá dành cho con.
Có thể nói đây là một tâm thư đầy trăn trở nhưng cũng đầy nhiệt huyết của giáo viên gửi tới các bậc cha mẹ. Bức tâm thư này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt chia sẻ và yêu thích của đông đảo phụ huynh. Nhiều ông bố bà mẹ như được bừng tỉnh sau những bộn bề lo toan cho cuộc sống, họ dường như đã quên mất con mình cần được cha mẹ quan tâm và thấu hiểu hơn bao giờ hết. Tâm thư này xứng đáng là một thông điệp ý nghĩa nhân dịp năm học vừa bắt đầu.