Sau khi học xong lớp 12, em cưới chồng rồi có bầu luôn nên cũng chưa đi làm. Tất cả sinh hoạt đều dựa vào đồng lương của anh. Mỗi khi đưa tiền cho vợ, anh như ban ơn vậy. Đay nghiến đủ điều khiến em rất đau khổ, tủi nhục.
Mỗi lần đi khám thai là một tuần liền anh chửi rủa em sao phải khám, vẽ sự... Em nuốt nước mắt im lặng cho qua.
Anh rất vô tâm với mẹ con em nhưng lại là người con có hiếu. Hàng tháng vẫn gửi tiền cho bố mẹ chi tiêu. Đối với gia đình bên anh là vậy nhưng với bố mẹ vợ anh lại tính toán từng đồng. Em không ý kiến gì vì đó là điều con cái nên làm để báo đáp phần nào công lao sinh thành.
Sau khi sinh con, vợ chồng em về quê sống vì không thể trụ lại thành phố. Về quê ở cùng bố mẹ chồng đến nay, dường như em chưa được một ngày vui vẻ. Mỗi khi con ốm, em lo lắng vô cùng, đi mua thuốc anh cũng không cho đi, anh bảo cứ để đó xem có chết được không?.
Sau khi con em được 2 tuổi em gửi lớp và đi học may ở cạnh nhà, rồi đồng lương ít ỏi cũng đủ để chi tiêu hộp sữa cho con và sinh hoạt ở nhà. Em vốn là người hướng ngoại nên có tham gia hoạt động của thôn xóm, sắp được kết nạp vào Đảng thì mẹ chồng em phá, cuối cùng em phải từ bỏ.
Nhiều đêm em mơ mình được đi học, em rất vui nhưng khi giật mình tỉnh giấc thì nước mắt lại chảy dài. Bố mẹ đẻ ở xa nên em cũng không dám kể vì sợ bố mẹ phải phiền lòng. Bố mẹ vẫn nghĩ em hạnh phúc vì lấy được người mình yêu.
Mỗi khi vợ chồng em hòa thuận, lúc đó mẹ chồng em lại khó chịu, chọc gậy bánh xe, để anh chửi mắng em.
Chồng em vô tâm, mẹ chồng thì coi em như quân thù. Người ta không được chồng thì được gia đình chồng. Em không biết mình đang sống vì điều gì. Cả ngày không cười vì cười cũng sợ mẹ chồng em khó chịu mà gây sự.
Mỗi khi có suy nghĩ ly hôn thì nhìn con em mà thương xót. Sau đó tiếp tục nuốt nước mắt bước tiếp. Hiện giờ em không biết phải làm sao. Đi thì không biết đi đâu, mà ở lại thì không biết sống thế nào? Em xin chuyên gia tư vấn tâm lý cho em một lời khuyên. Em xin chân thành cảm ơn!
Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng giải đáp:
Bạn trẻ thân mến. Tôi cảm nhận được rằng bạn vừa khóc vừa viết thư chia sẻ câu chuyện của mình. Cảm giác đau khổ muốn ra đi nhưng lại bị níu chân bởi cảm giác thương con. Hai cảm giác này cứ đấu tranh trong tâm trí khiến bản thân mình không biết làm thế nào.
Bảo sao nhiều người phụ nữ nói rằng: "Lấy chồng giống như canh bạc". Mà kết quả người may mắn thì ít, người xui là nhiều. Nếu cuộc hôn nhân của em giống như canh bạc thì thật tiếc kết quả không may mắn lại thuộc về em. Em thuộc người hướng ngoại, nhưng có sức chịu đựng rất lớn nên ngần ấy năm em vẫn luôn cố gắng chịu đựng trong cuộc hôn nhân này.
Với một cô bé vừa học xong cấp 3 đã lập gia đình, xa bố mẹ đẻ phải đối diện với một môi trường khắc nghiệt như những gì em chia sẻ thì quả là quá sức với em. Với tính cách của em, việc ra đi lúc này sẽ giải phóng được cảm xúc tiêu cực ở hiện tại nhưng hệ lụy sẽ là cảm giác có lỗi với con em, có thể sẽ khiến em dằn vặt suốt đời.
Em quan sát sẽ thấy xung quanh em có 2 nhóm người chính: Một nhóm người thuận cảm xúc với em là người thân, và một nhóm người trái nghịch với cảm xúc của em là đối thủ. Những người yêu thương em thật sự như bố mẹ đẻ, con em, họ sẽ vui khi em vui, họ sẽ buồn khi em buồn. Còn như mẹ chồng em cảm xúc thì ngược lại, em vui thì họ buồn, em buồn thì họ vui. Có thể tạm gọi là đối thủ của em.
Vậy em lựa chọn sống vì người thân hay đối thủ của mình? Trong bất kỳ tình huống nào mình cũng nên sống vui vẻ để người thân của mình cùng cảm xúc vui vẻ với mình, đó cũng là cách sống báo hiếu đó em ạ.
Chúng ta không thể được lựa chọn chiến trường nhưng chúng ta có thể lựa chọn được tâm thế khi ra trận. Em sống vì ai sẽ quyết định thái độ của em.
Trong ngắn hạn: Em có thể chia sẻ gợi mở một chút với bố, mẹ đẻ hoặc anh chị em ruột em cảm thấy tin tưởng về những khó khăn mà em đang gặp. Em sẽ nhận được những sự động viên, cũng như can thiệp góp ý kịp thời từ phía gia đình mình giúp em có thêm động lực. Biết đâu nếu gia đình em có giải pháp giúp vợ chồng em ra ở riêng thì mọi thứ sẽ rất khác đó em ạ.
Em học cách sống kỹ năng khéo léo một chút. Như khi vợ chồng hòa thuận thì vẫn tỏ ra bình thường trước mặt mẹ chồng, tránh tiếp xúc với mẹ chồng tối đa có thể.
Tranh thủ thời gian tâm sự với chồng để tìm ra những điểm mấu chốt tháo gỡ. Có thể khi vừa kết hôn chồng em nhiều áp lực về tiền bạc nên sinh ra căng thẳng dẫn tới vợ chồng mâu thuẫn đẩy nhau ra xa. Vì thực tế là hai em cũng yêu nên mới đến với nhau.
Hoá giải được mâu thuẫn với chồng cũng là bước đầu tháo gỡ được sự khó chịu của mẹ chồng với em.
Trong dài hạn: Mục tiêu của em là ra ở riêng. Cần có thời gian chuẩn tâm lý cho chồng ủng hộ cũng như tài chính ổn. Để chồng ủng hộ thì vợ chồng em cần có thời gian yên bình bên nhau, giao tiếp vui vẻ được với nhau khi đó em đề nghị anh ấy sẽ nghiêm túc xem xét. Anh tin rằng em quyết tâm sẽ có được một gia đình nhỏ trọn vẹn!