Ấy thế mà chiều 8/8, chuyên gia người Nhật Bản đã thỏa sức bơi lội, dội nước sông Tô Lịch lên đầu khoảng 10 phút và sau đó trả lời rằng “nước hoàn toàn không có mùi hôi… không cảm thấy ngứa hay có bất cứ khó chịu nào”…
Tất nhiên, đó chỉ là trình diễn, là “báo cáo”, góp phần chứng minh kết quả xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreator kích hoạt các vi sinh vật kỵ khí của Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) - đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch - là khả quan. Đại diện của JVE cũng cho rằng, đây chỉ là mô hình mô phỏng cho dễ hiểu quá trình xử lý diễn ra bên trong lòng sông hiện tại, chứ không phải áp dụng xử lý cho toàn bộ sông Tô Lịch.
Dù xem kỹ lưỡng, cẩn trọng hay lướt qua video chuyên gia Nhật Bản tắm sông Tô Lịch, những ý kiến trái chiều cũng được đưa ra. Đồng tình, ủng hộ, nghi ngờ, phản bác, thậm chí dè bỉu, nghĩ xấu đầy tiêu cực. Đó cũng là điều dễ hiểu, như với bao vụ việc, sự kiện, vấn đề khác trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội hết sức hỗn loạn…
Quá trình làm sạch sông Tô Lịch mới chỉ ở những bước đi ban đầu, mới chỉ là thử nghiệm. Những ý kiến góp ý, phản biện thực sự giá trị, tích cực chắc sẽ được lắng nghe, tiếp thu một cách nghiêm túc, cẩn trọng, bởi chắc chắn, dù với công nghệ, cách làm gì đi nữa, số tiền phải bỏ ra là không hề nhỏ. Mà đó là tiền thuế của nhân dân, không phải tiền từ trên trời rơi xuống. Nên sự lắng nghe, tiếp thu là hiển nhiên, để có thể tiến hành một cách quyết liệt, khoa học, hiệu quả, chứ không thể để xen vào “lợi ích nhóm”, khuất tất…
Thế giới đã có nhiều ví dụ sinh động về việc làm “hồi sinh” những “dòng sông chết”, ví như sông Isar (Đức), sông Thames (Anh), sông Hán (Hàn Quốc), sông Hoàng Phố (Trung Quốc)… Hà Nội đang nỗ lực để sông Tô Lịch sạch trở lại. Đó là điều hết sức đáng quý, đáng trân trọng. Và chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào viễn cảnh một dòng sông thơ mộng, trong lành chảy trong lòng thành phố, với nhiều hoạt động vui thú trên bờ, dưới lòng sông của mọi người dân…
Nhưng trước khi đến ngày tươi đẹp ấy, vấn đề không kém phần quan trọng là việc cải thiện ý thức của người dân đô thị, từ việc tranh luận, góp ý đến những hành động cụ thể, như giữ gìn, bảo vệ môi trường nước cho dòng sông. Bởi có một điều không dễ dàng giải quyết, đó là việc hai bên bờ sông Tô Lịch có tới gần 300 chiếc cống lớn nhỏ, hằng ngày đổ xuống khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xuống lòng sông. Nếu “bịt” được nguồn ô nhiễm này, việc làm sạch sông Tô Lịch sẽ trở lên khả thi hơn…
Và khi ấy, việc bơi lội trên sông Tô Lịch, đặc biệt vào những ngày hè noi nồng không còn là sự hoang đường, là câu chuyện trình diễn nữa, mà đã trở thành sinh hoạt thường ngày của người dân Thủ đô...