Đồng thời, xử lý những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra như học sinh đánh nhau, chán học, bỏ học, vi phạm pháp luật; có thái độ thù hận với bạn bè và mọi người xung quanh; nhiều trường hợp có thể dẫn đến học sinh tự tử, hủy hoại thân thể hoặc sa ngã vào các tệ nạn xã hội…
Công tác tâm lý học đường rất cần thiết trong việc giáo dục học sinh trong nhà trường, nhất là ở cấp bậc tiểu học và trung học cơ sở hiện nay. Nhà trường cần phải bố trí giáo viên hoặc bác sĩ tâm lý để thực hiện nhiệm vụ này. Giáo viên hoặc bác sĩ tâm lý có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn, tâm sự, theo dõi những học sinh có diễn biến tâm lý bất thường, kịp thời đề ra các giải pháp để tư vấn, định hướng hoặc xử lý các vấn đề tâm lý xảy ra.
Giáo viên hoặc bác sĩ tâm lý phải là nơi gần gũi và tin yêu nhất của học sinh; là nơi mà học sinh có thể tìm đến trao đổi, tâm sự, mong muốn giải đáp những thắc mắc về vấn đề tâm lý. Bằng nghiệp vụ của mình, các giáo viên hoặc bác sĩ tâm lý phải có trách nhiệm phân tích, định hướng, chia sẻ nhằm giải tỏa tâm lý cho học sinh; giúp các em có tâm lý, tư tưởng đúng đắn để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ học tập của mình. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa giáo viên hoặc bác sĩ tâm lý với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh trong việc thông tin và xử lý những biểu hiện tâm lý của các em.
Ví dụ, một học sinh lên lớp có biểu hiện chán nản, học hành sa sút, nguyên nhân là cha mẹ hay cãi vã với nhau. Lúc này, giáo viên hoặc bác sĩ tâm lý có trách nhiệm tiếp cận tìm hiểu nguyên nhân, mời phụ huynh đến để trao đổi; sau đó cha mẹ phải khắc phục hành vi cãi vã trước mặt con, động viên con để tiếp tục học tập. Như vậy, học sinh sẽ được giải tỏa, thay đổi tâm lý và tiếp tục tích cực học tập. Đây là một trong những ví dụ nhỏ trong muôn vàn các biểu hiện tâm lý của học sinh hiện nay. Muốn tiếp cận và xử lý những biểu hiện tâm lý của học sinh, cần phải có những giáo viên hoặc bác sĩ tâm lý tận tâm với nghề, có trách nhiệm và thương yêu học sinh thì mới có thể thực hiện được nhiệm vụ này.
Nếu làm tốt công tác tâm lý học đường, sẽ hạn chế tình trạng học sinh hư hỏng, quậy phá, bỏ học, trầm cảm…; ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo lực học đường đã và đang gây ra nỗi lo của phụ huynh học sinh và toàn xã hội; giúp cho học sinh định hướng được tâm lý, tư tưởng, hình thành nhân cách đúng đắn và trở thành công dân tốt cho xã hội.