Bù đắp thiếu hụt
Sau hơn 3 tuần trở lại trường học trực tiếp, cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2, Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - nhận thấy: Học sinh có thay đổi rõ rệt so với những ngày đầu đến trường. Theo đó, các em đã giao tiếp, tương tác với bạn bè và thầy cô khá tốt. Ngoài ra, chữ viết của các em được cải thiện, tự tin phát biểu, xây dựng bài... “Nhìn chung, việc học trên lớp của các em đã ổn định và đi vào nền nếp. Cùng với đó, trẻ đã phát triển được nhiều kỹ năng mềm, nhất là kỹ năng làm việc nhóm và tự phục vụ”, cô Ánh chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của cô Ánh, buổi đầu tiên đến trường, cô không đặt nặng việc dạy chữ hay học toán. Thay vào đó, cô dành nhiều thời gian làm quen với học trò. Để bù đắp một số kỹ năng còn thiếu hụt do học online kéo dài, trong các buổi học, cô lồng ghép trò chơi theo nhóm, tổ; qua đó giúp các em kết nối, tương tác với nhau, dần phát triển kỹ năng giao tiếp và hỗ trợ lẫn nhau trong học tập.
“Ngoài ra, thông qua các hoạt động giáo dục, tôi quan sát theo dõi, ghi chép những điểm cần lưu ý với từng học sinh để có biện pháp hỗ trợ (nếu cần). Hàng tuần, tôi thay đổi vị trí chỗ ngồi, sắp xếp lại các tổ, nhóm và luân chuyển vị trí: Từ trưởng, phó nhóm, tổ cho đến cán bộ lớp. Bằng cách này, vừa giúp học sinh phát triển được nhiều kỹ năng mềm, tôi cũng phát hiện được nhân tố để bồi dưỡng. Đặc biệt, là không học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, cô Ánh bộc bạch.
Một số học sinh có biểu hiện “chệch choạc” chưa bắt nhịp với học trực tiếp; cá biệt có những em ngồi một mình không chơi với ai và thiếu hụt kỹ năng mềm là điều cô Nguyễn Thị Như Thảo – giáo viên Trường Tiểu học & THCS Vạn Thành (Vạn Ninh, Khánh Hòa) - nhận thấy rõ ở trẻ khi trở lại với lớp học truyền thống.
Để “giữ nhịp” học và giúp các em hòa nhập với môi trường học trên lớp, tiết học nào cô Thảo cũng dành ít phút để trò chuyện với học sinh. Có hôm cô dành hẳn 15 phút để kể về những câu chuyện liên quan đến tình bạn; từ đó khéo léo đẩy học sinh vào câu chuyện theo ý mình; trên hết là sự đoàn kết, hỗ trợ nhau trong học tập và cuộc sống.
Bồi dưỡng, phát triển kỹ năng mềm
Nhắc lại câu tục ngữ “học thầy không tày học bạn”, cô Thảo nhấn mạnh: Ở bậc THCS, học sinh cần chủ động hòa nhập, kết nối với bạn bè thuộc các khối, lớp khác. “Thông qua giao lưu và các hoạt động kết nối, các em sẽ học được rất nhiều từ bạn bè, ít nhất là không bị thu mình trước tập thể”, cô Thảo chia sẻ, đồng thời lưu ý: Các em cần có phương pháp học hiệu quả, bắt kịp với tiến độ học tập trên lớp; đặc biệt với học sinh lớp 9, cần chuẩn bị tâm thế thật tốt, sẵn sàng tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Cũng theo cô Thảo, các em cần có mục tiêu học tập sáng suốt, đúng đắn. Luyện thói quen đặt thời gian biểu trong ngày để rèn tính tự giác trong học tập. Điều thiết yếu là giữ tinh thần thật thoải mái, có như vậy việc học mới đạt hiệu quả. Khi các em có tâm trạng phấn khởi sẽ tiếp thu bài giảng hiệu quả hơn; đặc biệt các em sẽ cởi mở, thân thiện với bạn bè hơn.
Theo bà Phan Thị Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, các trường cần tăng cường giáo dục chuyên đề kỹ năng sống cho học sinh theo hình thức “Điều em muốn nói”. Hoạt động giáo dục này sẽ là sợi dây kết nối để thầy hiểu trò, trò hiểu thầy và phụ huynh hiểu con em mình hơn. Quan trọng là giúp các em mạnh dạn, tự tin diễn đạt trước nhiều người.
Đối với giáo viên, nhất là thầy cô chủ nhiệm, cần quan tâm đến học sinh của mình, kịp thời phát hiện những em còn hạn chế về kỹ năng hoặc gặp phải vấn đề về tâm lý. Theo đó, giáo viên có thể giới thiệu học sinh xuống phòng tham vấn học đường của nhà trường hoặc cho các em số điện thoại của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Nhấn mạnh, phụ huynh cần đồng hành cùng giáo viên, nhà trường để hỗ trợ các con trong học tập và phát triển kỹ năng sống, bà Hương dẫn giải: Khi đi học về, hoặc làm xong bài tập, nếu các con cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi thì bố mẹ có thể xoa dịu bằng cốc sữa nóng, hoặc hỏi han, tâm sự để tăng khả năng tương tác với con. “Ngoài ra, phụ huynh có thể gợi ý cho con đi chơi với bạn hoặc làm những việc mà con yêu thích trong khoảng thời gian nhất định. Bằng cách này, dần dần trẻ sẽ lấy lại “phong độ” về khả năng tương tác cũng như một số kỹ năng sống khác” – bà Hương trao đổi.
Còn theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, để nâng cao hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cần sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Theo đó, các nhà trường cần tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh và các lực lượng khác trong trường. Mặt khác, cần xây dựng kế hoạch hoạt động cũng như chương trình phối hợp để giáo dục, phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong giáo dục; chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác Đoàn, Đội trong các cơ sở giáo dục; qua đó góp phần bồi dưỡng, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh.