Tấm lòng của vợ chồng bác sĩ người Mỹ

GD&TĐ - Gần 2 năm qua, tại Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng nạn nhân da cam huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi luôn có sự hiện diện của hai tình nguyện viên đặc biệt - cặp vợ chồng bác sĩ người Mỹ: Vohn Paul Bucher và Esther Bucher (cùng sinh năm 1948). Tấm lòng nhân hậu của cặp vợ chồng này đã đem đến cho các nạn nhân da cam ở tỉnh Quảng Ngãi một cuộc sống với nhiều niềm vui và tình yêu thương.

Vợ chồng bác sĩ Vohn Paul Bucher và Esther Bucher
Vợ chồng bác sĩ Vohn Paul Bucher và Esther Bucher

Hai tình nguyện viên đặc biệt

Sau nhiều tháng học ngôn ngữ tiếng Việt, vợ chồng bác sĩ người Mỹ dù chưa thành thạo nhưng cũng có thể trò chuyện, hướng dẫn cho nạn nhân da cam tự tin luyện tập đi lại. Hằng ngày, những đứa trẻ ở Trung tâm bi bô trìu mến gọi ông Vohn Paul Bucher là bố Bo và bà Esther Bucher là mẹ Yến. “Cái tên Việt của hai vợ chồng tôi là do bọn trẻ ở đây đặt cho. Nghe cũng dễ thương lắm chứ”, bà Esther Bucher vui vẻ nói.

Ông Vohn Paul Bucher cho hay, ngay sau khi đọc được cuốn sách Last Night I Dreamed of Peac (Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình - nhật ký của Đặng Thùy Trâm) được dịch, xuất bản ở Mỹ, vợ chồng ông quyết định trở lại Việt Nam trong chuyến đi cuối cùng của đời mình lúc đã 68 tuổi. T

háng 2/2016, Tổ chức Mennonite Central Committee (MCC) đã làm cầu nối đưa hai vợ chồng đến với huyện Đức Phổ, nơi nữ y sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết cuốn nhật ký mơ ước một Việt Nam hòa bình.

“Trong cuốn sách này, Đặng Thùy Trâm kể nhiều về người tốt, phong cảnh tươi đẹp ở huyện Đức Phổ. Vợ chồng tôi đến với vùng đất này là cơ duyên gần gũi thật kỳ lạ”, ông Vohn Paul Bucher chia sẻ.

Khi đặt chân đến Đức Phổ, đôi vợ chồng bác sĩ này cảm nhận ở đất nước Việt Nam là những nụ cười thay vì súng ống, xe tăng như cách đây hơn nửa thế kỷ. Tận mắt chứng kiến một Việt Nam hòa bình đã khiến ông bà hạnh phúc, nhưng đằng sau ấy là những di chấn kéo dài của cuộc chiến năm xưa để lại.

“Ngày đầu tiên đến đây, vợ chồng tôi đã khóc khi trước mặt mình là những đứa trẻ không tham gia cuộc chiến nhưng lại gánh toàn bộ những nỗi đau từ thế hệ trước. Tôi cảm thấy thương cho những đứa trẻ, chúng không đáng để nhận những hậu quả nặng nề như vậy”, bà Esther Bucher chia sẻ.

Gần 2 năm qua, ông bà sống cùng những em nhỏ này, cùng các em ca hát, vẽ tranh, tập luyện. Bằng kinh nghiệm lâu năm của mình, đôi vợ chồng này đã hỗ trợ Trung tâm những chương trình trị liệu phù hợp nhất. Và, bao đứa trẻ đã bắt đầu đi được, nói được và chúng cũng xem ông bà là cha mẹ.

“Mỗi lần nhìn thấy một em bé ngồi ăn hết bát cơm mà không rơi vãi ra ngoài là niềm hạnh phúc vô bờ đối với chúng tôi. Chuyến trở lại Việt Nam lần này, mong muốn lớn nhất của chúng tôi đơn giản chỉ là giúp bọn trẻ thôi chịu những cơn đau vì từng đợt gió trời trở chướng”, bà Esther Bucher tâm sự.

Nghe vợ nói vậy, ông Vohn Paul Bucher bảo: “Có con đường thì sẽ có lối ra, cứ đi rồi sẽ đến. Tôi muốn các con mình luôn mạnh mẽ như chính cách mà cha ông chúng đã chiến đấu để giành lấy hòa bình”.

“Người Việt Nam hiền hậu, thân thương”

Đây không phải là lần đầu tiên đôi vợ chồng bác sĩ này đến Việt Nam. Lần đầu tiên họ đến đất nước hình chữ S này là lúc chiến tranh chưa kết thúc. Ông Vohn Paul Bucher kể, năm 1969, tại thủ đô Washington D.C, ông cũng như rất nhiều người Mỹ yêu hòa bình đã xuống đường phản đối chiến tranh Việt Nam.

Từng đoàn người nối nhau với những biểu ngữ phản đối chiến tranh. “Lúc đó tôi và những người bạn rất đau đớn trước nỗi đau từ một đất nước mình chưa từng biết đến trước đó. Tôi cũng như hàng triệu người yêu hòa bình đã hô vang khẩu hiệu, đề nghị rút quân khỏi Việt Nam, trả lại yên bình cho đất nước các bạn”, ông Vohn Paul Bucher kể.

Những đợt tuần hành diễn ra ngày một nhiều hơn và bà Esther Bucher chưa bao giờ bỏ bất cứ đợt biểu tình nào. Năm 1970, Vohn Paul Bucher đã ngỏ lời cầu hôn với Esther Bucher và họ chính thức trở thành vợ chồng. Kết hôn xong, họ quyết định đến Việt Nam dù lúc đó cả hai chưa biết gì về đất nước này. Cảnh tượng đầu tiên khi đến Việt Nam đối với họ là vũ khí, binh lính ở khắp nơi. Tất cả luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu khiến đôi vợ chồng trẻ choáng ngợp.

Một thời gian ở Sài Gòn, cả hai quyết định xuống Cần Thơ dạy tiếng Anh. Họ thuê một căn gác trọ chật hẹp, mỗi ngày đến trường Đại học Cần Thơ dạy tiếng Anh miễn phí cho giáo viên và sinh viên ở trường này được 4 năm. Khi cuộc chiến trở nên khắc nghiệt hơn, điều kiện học tập cũng không còn được như trước, vợ chồng họ quyết định về nước. Đó là vào năm 1974. “4 năm ấy đã khắc sâu trong tâm trí chúng tôi hình ảnh người Việt Nam hiền hậu, thân thương”, bà Esther Bucher bộc bạch.

Sau 3 năm trở về nước, đôi vợ chồng bác sĩ này lại tiếp tục đến những vùng đất khó khăn khác. Sau 6 năm, từ 1977 đến 1982 tình nguyện hoạt động xã hội, chấp nhận sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn ở đảo Kalimantan (Indonesia) cả hai quyết định đưa 2 đứa con trở về Mỹ để tiếp tục học tập nhưng vẫn nung nấu ý định quay lại châu Á. Đến nay, 2 người con đã trưởng thành và đang làm việc tại Mỹ.

“Tấm lòng của họ thật đáng trân quý”

Tại huyện Đức Phổ, song hành với việc giúp đỡ phục hồi chức năng cho hàng chục trẻ da cam, trẻ khuyết tật là con em cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến, đôi vợ chồng bác sĩ Mỹ này còn kêu gọi bạn bè quốc tế hỗ trợ “Ngân hàng bò” giúp cho nhiều gia đình cựu binh nghèo phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Họ còn giúp các kỹ thuật viên trồng rau sạch cải thiện bữa ăn cho nạn nhân da cam ở huyện Đức Phổ.

Ông Nguyễn Văn Trị (ngụ thị trấn Đức Phổ) cho biết: “Chúng tôi luôn biết ơn bố Bo, mẹ Yến. Không biết ơn sao được khi đôi bàn tay của con gái tôi giờ có thể cầm nắm được các vật dụng, đôi chân đi lại dễ dàng hơn. Trước đây, vì bị nhiễm chất độc da cam từ tôi nên chân tay con bị co rút. Không những vậy, bố Bo, mẹ Yến còn tặng bò để gia đình tôi phát triển kinh tế. Tấm lòng của họ thật đáng trân quý”.

Gần 2 năm qua, cặp vợ chồng bác sĩ người Mỹ giúp đỡ hàng trăm trẻ khuyết tật ở Quảng Ngãi tìm thấy niềm vui trong cuộc sống
 Gần 2 năm qua, cặp vợ chồng bác sĩ người Mỹ giúp đỡ hàng trăm trẻ khuyết tật ở Quảng Ngãi tìm thấy niềm vui trong cuộc sống

Được biết, mới đây vợ chồng bác sĩ Vohn Paul Bucher và Esther Bucher đã vinh dự trở thành 2 trong 120 gương mặt tiêu biểu được vinh danh, trong sự kiện tôn vinh và tri ân những tấm lòng những người ngày đêm thầm lặng hỗ trợ, nuôi dưỡng, chăm sóc những nạn nhân của thảm họa da cam.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng nạn nhân da cam huyện Đức Phổ cho biết, vợ chồng bác sĩ Vohn Paul Bucher và Esther Bucher thật sự có tâm, có tài. Họ hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân da cam địa phương phục hồi chức năng.

“Đôi vợ chồng bác sĩ người Mỹ hy vọng việc làm của mình góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh ở vùng đất này, giúp nạn nhân da cam sống lạc quan hơn. Không chỉ hỗ trợ các nạn nhân phương pháp vật lý trị liệu hiệu quả, họ còn giúp nhiều gia đình cựu chiến binh phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống”, ông Toàn cho hay.

 “Mỗi lần nhìn thấy một em bé ngồi ăn hết bát cơm mà không rơi vãi ra ngoài là niềm hạnh phúc vô bờ đối với chúng tôi. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi đơn giản chỉ là giúp bọn trẻ thôi chịu những cơn đau vì từng đợt gió trời trở chướng”- Bà Esther Bucher

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ