Tâm hồn ta xanh mãi với thời gian...!!!

GD&TĐ - Những hoài niệm đẹp về năm tháng xưa của những người đã từng gắn với bùn đất, cây lúa giữa nắng hạn, bão giông, càng nhắc nhở họ mang hết tâm sức và trí tuệ, góp vào sự nghiệp “trồng người” cao quý...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đầu Xuân, đọc bài thơ “Xốn xang con chữ” trên Báo Giáo dục và Thời đại của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh tặng Thiếu tướng-GS Nguyễn Quảng Bạ, lòng tôi cũng thấy xốn xang vì gợi nên những suy ngẫm sâu xa về nghề dạy học – “người lái đò chở khách qua sông”.

Cả hai đã và đang cùng nhau giảng dạy và nghiên cứu ở Học viện Chính trị Công an nhân dân. Những hoài niệm đẹp về năm tháng xưa của những người đã từng gắn với bùn đất, cây lúa giữa nắng hạn, bão giông, càng nhắc nhở họ mang hết tâm sức và trí tuệ, góp vào sự nghiệp “trồng người” cao quý bằng tất cả tình cảm chân thành. Bài thơ là một tri ân trao gửi:

Gió bấc lùa phòng lay con chữ

Tờ lịch rơi, anh bỗng giật mình

Tết đến gần, lòng lại xốn xang

Anh ghi vội bài thơ gửi gió

Gió những tháng ngày tất tả, lo toan

Cây mạ xuống đồng, sương giăng suốt tháng

Đồng hoe vàng, trời tuôn mưa trút nước

Gặt lúa về, thóc đã nảy mầm xanh!

Rồi miệt mài đèn sách đêm đêm

Được trời thương, cùng đỗ vào sư phạm

Anh ở lại trường nơi Hà thành sôi động

Em về làm cô giáo quê hương

Những con chữ trong giáo án thân thương

Như dấu nối tình ta nơi xa cách

Ngày cuối thu, gió heo may se lạnh

Đám cưới đông vui, hạnh phúc ngập tràn

Mình đã sống xa bao mùa xuân

Tình vẫn ấm như bếp hồng đêm Tết

Gieo con chữ cho học sinh lớp lớp

Niềm vui dâng đầy chở khách qua sông

Đêm nay nhận dòng tin anh nhắn:

Gió chở nỗi nhớ, niềm thương

Con chữ bay lên từ trang sách

Tâm hồn ta xanh mãi với thời gian!...”.

                                      Đầu Xuân 2022

Mùa xuân đến, ngắm những nụ đào rung rinh trước gió, hẳn nhiều người nhớ về một câu “Kiều”: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.

Câu này có tích từ chuyện nhà thơ Thôi Hộ (đời Đường) đi chơi tiết Thanh Minh gặp một vườn đào rất đẹp, một ngôi nhà đơn sơ, xinh xắn bèn gõ cửa xin nước uống. Một cô gái tuổi trăng tròn đẹp như hoa nở xuất hiện trước cửa, ý nhị mời người khách vãng lai...

Xao xuyến, thẫn thờ trước cảnh đẹp, người đẹp, thi nhân muốn có ngay một bài thơ, nhưng cố mãi mà không ra ý tứ gì. Hình như đây cũng là một quy luật sáng tạo: Nhiều khi quá ngưỡng, nồng nàn tràn trề cảm hứng nên chưa thể “xuất khẩu thành chương”(?).

Phải một năm sau, cảnh cũ người xưa giục nhà thơ quay trở lại tìm thi hứng. Nhưng cảnh còn, mà người thì vắng, vườn đào vẫn đẹp nhưng cửa nhà thì khóa. Không một bóng người. Chính lúc ấy “thần hứng” mới nhập để có một thi phẩm nổi tiếng muôn đời: “Khứ niên kim nhật thử môn trung/Nhân diện đào hoa tương ánh hồng/Nhân diện bất tri hà xứ khứ/Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Ngày này năm ngoái trong cửa này/Mặt người và hoa đào cũng ánh hồng vào nhau/Mặt người không biết đi xứ nào/Hoa đào như cũ cười với gió đông).

Bài thơ đầy đủ và tiêu biểu cho vẻ đẹp thơ Đường hàm súc, dư ba, gợi mà không tả: Người đẹp như hoa, hay hoa đẹp như người!? Một cái buồn sâu thẳm nhưng không bi luỵ, không não nề... Một cái buồn trong vắt, thật đẹp và thật nhân văn. Thì ra để có thơ hay phải công phu tích rèn câu chữ và tài năng biểu đạt.

Hình tượng “đông phong” (gió đông) thổi vào văn hóa phương Đông kết thành cổ mẫu (mẫu gốc) biểu tượng cho mùa Xuân! “Chàng” gió Xuân này là một sứ giả xe duyên cho biết bao đôi tình nhân, hoặc đưa tin tốt lành tới bao người. Đã từng giúp thi nhân Nguyễn Trãi mở “lá” thư tình là “đọt chuối non”: “Tình thư một bức phong còn kín/Gió nơi đâu gượng mở xem” (“Cây chuối”).

Thì ra gió là một khúc biến tấu của văn hóa, là sứ giả của tình người!

Sinh sống ở vùng nhiệt đới gió mùa nên người Việt làm bạn với gió mưa. Kho từ vựng người Việt, “gió” rất giàu có ý nghĩa. Ngay trong “Truyện Kiều” đã có tới 40 lần gió “thổi”. Là “gió mây” chỉ vận hội tốt đẹp: “Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi”; là “gió mưa” chỉ tai biến bất ngờ: “Gió mưa âu hẳn tan tành nước non”; là “gió trăng” chỉ cảnh thanh nhàn “Đề huề lưng gió túi trăng”;...

Tôi không có ý so sánh bài thơ của Nguyễn Hồng Vinh với thơ Thôi Hộ và “Truyện Kiều”, mà chỉ mượn xưa để chiếu vào nay, vì bài “Xốn xang con chữ” ngắn thôi, chỉ 6 khổ thơ tự do, khi bảy, khi tám chữ tùy đi theo nhịp của cảm xúc, mà có 5 lần gió “thổi”.

Một năng lực của thi sĩ là hình dung, người ta quen gọi là tưởng tượng. Đành thế, nhưng quan trọng hơn là, thi sĩ phú cho thế giới tưởng tượng ấy một mô hình mới, sức sống mới, một lớp mã mới. Khổ đầu thì gió vừa là nguyên cớ thẩm mỹ để có thi hứng, vừa là bạn tâm giao: Gió bấc lùa phòng lay con chữ/Tờ lịch rơi, anh bỗng giật mình/Tết đến gần, lòng lại xốn xang/Anh ghi vội bài thơ gửi gió”. Bốn câu thơ nhưng đủ kiến tạo một mô hình về “anh” đang làm việc khuya, chợt một cơn gió bấc ùa vào và cái “giật mình” như cái bản lề khép mở hai chiều không gian, ngoại giới (tiếng động) và tâm tưởng (nhắc nhớ về kỷ niệm). Lô gíc tâm trạng liên tưởng của một nhà thơ nhạy cảm với bước đi của thời gian nên “ghi vội bài thơ gửi gió”.

Khổ tiếp là mạch tâm trạng của “anh” hướng về quá khứ với những ngày vất vả: Gió những tháng ngày tất tả, lo toan/Cây mạ xuống đồng, sương giăng suốt tháng/Đồng hoe vàng, trời tuôn mưa trút nước/Gặt lúa về, thóc đã nảy mầm xanh!”. Những câu thơ này gián tiếp giới thiệu thân thế, công việc của “anh”, hiện đang vừa là nhà khoa học, vừa là nhà thơ. Khổ này giọng tác giả hòa vào giọng nhân vật “anh” cùng chia sẻ về tháng ngày gian nan, mà chính tác giả cũng từng nếm trải.

Ba khổ tiếp lời của tác giả rõ ràng hơn để giới thiệu về gia cảnh, vợ chồng “anh”: “Rồi miệt mài đèn sách đêm đêm/Được trời thương, cùng đỗ vào sư phạm/Anh ở lại trường nơi Hà thành sôi động/Em về làm cô giáo quê hương”. Vợ chồng họ cùng là nhà giáo. Cầu nối giữa họ không chỉ là tình yêu “ở hai đầu nỗi nhớ”, còn là Những con chữ trong giáo án thân thương/Như dấu nối tình ta nơi xa cách/Ngày cuối thu, gió heo may se lạnh/Đám cưới đông vui, hạnh phúc ngập tràn”.

Cơn gió heo may không chỉ thổi trong đám cưới, mà sẽ thổi suốt tháng ngày hạnh phúc của vợ chồng nhà giáo: Mình đã sống xa bao mùa xuân/Tình vẫn ấm như bếp hồng đêm Tết/Gieo con chữ cho học sinh lớp lớp/Niềm vui dâng đầy chở khách qua sông”. Thì ra, hạnh phúc đâu phải cứ là gần gũi nhau, mà điều quan trọng là cùng chung lý tưởng. Vì nhau, cho nhau, nên khoảng cách lại là chất men chưng cất rượu tình yêu nồng hơn!

“Gió” không chỉ là khúc biến tấu của văn hóa, còn là sứ giả, là cầu nối gắn kết những tâm hồn:“Gió chở nỗi nhớ, niềm thương/Con chữ bay lên từ trang sách”. Câu chữ thơ kết lại nhưng tình thơ mở ra, niềm tin, hy vọng vút lên, ý thơ dư ba: Tâm hồn ta xanh mãi với thời gian!...”.

Một bài thơ hay, câu chữ bình dị, nhưng cái tình thật chân thành. “Cây thơ” phải bắt rễ từ ký ức cuộc sống, phải được tưới bằng sự giầu liên tưởng, tưởng tượng, phải quang hợp ánh sáng tình yêu. Có thể coi bài thơ này là một tiêu biểu về những điều trên đây chăng?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.