Thực tế hiện nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp buộc phải cho nhân viên nghỉ việc hoặc cố gắng hơn là cho luân phiên nghỉ phép. Việc chậm lương xuất hiện, nhưng cùng với đó, nhiều chế độ bảo hiểm của người lao động bị ảnh hưởng.
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn 150 lao động, mỗi tháng phải đóng các khoản chi phí về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động không hề nhỏ. Nhiều doanh nghiệp cố không sa thải nhân viên, chậm nộp các khoản tiền chế độ về bảo hiểm xã hội trong thời điểm "nhạy cảm" này cũng bởi bất khả kháng.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bở dịch Covi-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Theo đó, các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra khiến trên 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm nghỉ việc hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản (không kể giá trị tài sản là đất) được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đặc biệt, trong thời gian tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Công văn cũng nhấn mạnh, Bảo hiểm xã hội địa phương phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh lạm dụng, trục lợi.
Công văn được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp ở cả trong và ngoài nước, làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bị khó khăn vì nguồn cung nguyên liệu đầu vào, giảm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm lao động tạm thời do cách ly phòng dịch. Ngành Bảo hiểm xã hội cần nhanh chóng chung tay, chia sẻ những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dần khôi phục, vượt qua khó khăn.