Tâm điểm Donbass

GD&TĐ - Động thái mới ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, một lần nữa cho thấy tầm ảnh hưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở các vùng đất thuộc Liên Xô trước đây.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau bao nhiêu đồn đoán, kịch bản động binh của Nga đã trở thành hiện thực ngày 21/2 khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội tiến vào vùng ly khai ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, với danh nghĩa “duy trì hòa bình” và bảo vệ cho hai nước cộng hòa tự xưng tại đây mà Nga vừa công nhận.

Động thái của Nga là đỉnh điểm căng thẳng ở Donbass trong suốt 8 năm qua. Chiến sự tại khu vực miền Đông Ukraine này bắt đầu nổ ra từ năm 2014, sau khi lực lượng nổi dậy do Nga hậu thuẫn đánh chiếm các tòa nhà chính phủ Ukraine. Sau đó, hai vùng đất của Donbass rơi vào tay lực lượng ly khai và tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Lukhansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR).

Kể từ đó, Ukraine liên tục từ chối đối thoại với hai nước cộng hòa tự xưng này và cáo buộc Nga đứng sau sự bất ổn ở vùng đất ly khai nói trên. Trong suốt 8 năm qua, tất cả các nước trên thế giới bao gồm cả Nga cũng đều không chính thức công nhận hai quốc gia tự xưng Lukhansk và Donetsk.

Các cuộc xung đột vẫn liên tiếp xảy ra giữa quân chính phủ Ukraine và phiến quân, biến Donbass thành một trong những điểm nóng kéo dài của thế giới.

Bước ngoặt xảy ra vào ngày 21/2, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước cộng hòa Lukhansk và Donetsk.

Ngay sau đó, Điện Kremlin lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga thực hiện nhiệm vụ “gìn giữ hòa bình” tại hai thực thể thuộc vùng Donbass này, đồng nghĩa với việc chính thức đưa quân Nga tiến vào khu vực miền Đông Ukraine.

Theo thống kê của chính phủ Ukraine, trong suốt 8 năm xung đột vừa qua ở Donbass đã có 14.000 người thiệt mạng và khoảng 1,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Với động thái mới của Nga, tình hình tại khu vực này bước sang một giai đoạn căng thẳng mới với nhiều dự báo khác nhau.

Nhưng chưa cần biết chính xác những diễn biến tiếp theo sẽ thế nào thì cũng đã có thể tính toán được những mất mát của Ukraine. Theo đó, chính sách thân phương Tây và tham vọng gia nhập khối quân sự NATO của Ukraine còn “chưa đâu vào đâu” thì nước này đã chính thức mất vùng ly khai miền Đông Donbass.

Trong khi đó, dù Mỹ, châu Âu và NATO kịch liệt phản đối Nga về các động thái từ trước khi công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Lukhansk và Donetsk, thì tuyên bố mới nhất hiện nay của phương Tây cũng vẫn chỉ là sẽ “trừng phạt nặng về kinh tế, chính trị” đối với hai nước cộng hòa mà Nga vừa công nhận.

Nhiều quan chức Nga cho rằng, Ukraine và phương Tây đã không rút ra bài học của Gruzia năm 2008. Thời điểm đó, Nga cũng có động thái tương tự là công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Nam Ossetia và Abkhazia thuộc vùng đất ly khai của Gruzia, khi nước này ngả sang phương Tây và NATO thì tìm cách tiếp cận biên giới Nga thông qua các nước thuộc Liên Xô cũ.

Nhìn rộng hơn, động thái mới ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, một lần nữa cho thấy tầm ảnh hưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở các vùng đất thuộc Liên Xô trước đây. Dấu ấn lịch sử của ông để lại sau này có thể là sự khôi phục ảnh hưởng của Moscow trong toàn bộ không gian hậu Xô Viết, khẳng định vai trò cường quốc toàn cầu của Nga, bất chấp những thách thức từ phương Tây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.