Tâm dịch mới của thế giới: Mỗi ngày một ngôi làng “biến mất” ở Romania

GD&TĐ - Là quốc gia có 19 triệu dân, Romania hiện có tỷ lệ tử vong cao nhất châu Âu. Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cử một nhóm đến đối phó với đại dịch tại đây.

Nhân viên nhà xác của Bệnh viện Cấp cứu Đại học Budapest.
Nhân viên nhà xác của Bệnh viện Cấp cứu Đại học Budapest.

Hàng trăm người đã chết mỗi ngày trong 2 tháng qua ở Romania – một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc tấn công của Covid-19 tại các quốc gia Trung và Đông Âu - nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn Tây Âu.

Là quốc gia có 19 triệu dân, Romania hiện có tỷ lệ tử vong cao nhất châu Âu. Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cử một nhóm đến đối phó với đại dịch tại đây.

Chán nản và phải làm việc quá sức, nhiều bác sĩ Romania phải vật lộn để làm việc.

“Mỗi ngày lại có một ngôi làng biến mất ở Romania!” – Tiến sĩ Catalin Cirstoiu, giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Đại học Bucharest cho biết – “Trong một tuần hay một tháng thì sao? Một ngôi làng lớn hơn, hay một thành phố sẽ biến mất? Chúng ta sẽ dừng lại ở đâu?”

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến số ca tử vong tăng cao là do tỷ lệ tiêm chủng thấp ở Romania, nơi chỉ có khoảng 40% dân số được tiêm đầy đủ - thấp hơn nhiều so với mức trung bình của Liên minh châu Âu là 75%.

Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở đây và các nơi khác trong khu vực được cho là bắt nguồn từ sự thiếu tin tưởng chung vào các cơ quan và tổ chức, sự tuyên truyền giáo dục và phong trào chống tiêm chủng sâu rộng, thậm chí bao gồm cả một số bác sĩ hàng đầu.

Tiến sĩ Cirstoiu than thở, “chúng tôi đang kiệt quệ về tài chính… cả về thể chất và tâm lý”. Ông nhấn mạnh rằng nếu 70% dân số được tiêm chủng, chúng tôi không có làn sóng lây nhiễm thứ 4.

Tại bệnh viện, ngay cả phòng chờ cấp cứu cũng được chuyển đổi thành khu vực dành cho bệnh nhân Covid-19 và có những tấm nhựa quây kín. Vào những ngày lượng bệnh nhân tăng cao, bệnh nhân mới đến phải nằm trên cáng ngoài hành lang trước khi có thể tìm được giường.

Romania đã ghi nhận số người chết hàng ngày cao nhất trong đại dịch vào 2/11 khi 591 ca tử vong vì Covid-19 được báo cáo, trong đó hơn 90% số ca không được tiêm chủng. Hiện gần có 2.000 ca mắc đang được điều trị tích cực và đã có khoảng 51.000 người nhiễm Covid-19 đã tử vong kể từ khi dịch bùng phát.

Tình hình đã buộc nhà chức trách phải áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn từ 2 tuần trước, khiến giấy chứng nhận tiêm chủng là bắt buộc đối với các hoạt động hàng ngày như đi mua sắm, tập thể dục, đi xem phim… Bên cạnh đó, giờ giới nghiêm toàn quốc là 10 giờ tối.

Ông Cirstoiu cho rằng nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng thấp là do công chúng không tin tưởng và thiếu các chương trình giáo dục có ý nghĩa, thiếu sự giải thích rõ ràng về lợi ích. Ông gọi sự gia tăng số ca mắc Covid-19 hiện nay là “làn sóng của những người chưa được tiêm chủng”.

Số ca tử vong vì Covid-19 ở Romania được dự báo còn tiếp tục gia tăng và khó có thể giảm bớt.

Tiễn sĩ Maria Sajin, lãnh đạo nhà xác của Bệnh viện Cấp cứu Đại học Bucharest cho biết, bình thường bệnh viện sẽ có trung bình 10 ca tử vong hàng ngày nhưng hôm đầu tuần đã lên tới 26, trong đó có 14 ca mắc Covid-19. Tuần trước, số người chết trong ngày ở đây là 35.

Bất lực trước những ca tử vong tăng lên, nhân viên nhà xác cảm thấy sợ hãi khi chứng kiến các nạn nhân trẻ tuổi, gồm 20, 25 tuổi. Tiếng khóc của người thân được mời đến nhận dạng thi thể nạn nhân vang lên khắp hành lang khi nhân viên phục vụ tang lễ chuẩn bị các thủ tục chôn cất.

Theo bà Sajin, các gia đình không biết vì sao người thân của họ lại mắc bệnh như vậy và vấn đề lớn là họ không hiểu rằng cần phải tiêm phòng. Đây là những thời điểm rất khó khăn và không ai hiểu rằng vắc xin có thể cứu được mạng sống.

Theo Daily Mail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.